Hiện Khánh Hòa có hàng loạt các nhà đầu tư có tiếng tăm như Công ty Millennium Energy, Liên danh Embank United và Tập đoàn Quantum (Mỹ), Công ty J Power (Nhật Bản), Tập đoàn Điện lực Việt Nam… đang đề xuất đầu tư điện khí lỏng (LNG) ở khu vực Vân Phong (thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh). Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh cần nghiên cứu kỹ đầu tư dự án cảng, kho khí và nhà máy LNG tại Nam Vân Phong.

Tỉnh Khánh Hòa đề xuất bổ sung đưa vào quy hoạch LNG và kho cảng đầu mối LNG Vân Phong vào quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021-2030. Các dự án LNG được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 2023-2025 có công suất 1.500 MW, giai đoạn 2025-2030 khoảng 6.000 MW và giai đoạn 2030-2040 đạt 7.500 MW. Trong số các nhà đầu tư, đáng chú ý nhất là Công ty Millennium Energy đang nghiên cứu và lập hồ sơ đầu tư dự án Trung tâm Điện khí LNG Vân Phong và Kho cảng đầu mối LNG với diện tích khoảng 360 ha tại thôn Mỹ Giang và thôn Ninh Yển (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa). Cả 2 hạng mục đầu tư có tổng số vốn hơn 27 tỉ USD. Trong đó, Trung tâm Điện khí LNG Vân Phong có công suất 4.800 MW với 4 tổ máy, được chia làm 2 giai đoạn xây dựng, mỗi giai đoạn 2.400 MW. Thời gian vận hành thương mại của dự án giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2027 đến 2030 và giai đoạn 2 sau năm 2030.

Vân Phong hướng đến trung tâm điện khí quốc gia - Ảnh 1.

Khu vực Vân Phong đang được tỉnh Khánh Hòa định hướng là trung tâm điện khí quốc gia

Đối với dự án Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong, Công ty Millennium Energy đề xuất xây dựng hệ thống kho chứa có tổng công suất 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng; hướng đến khả năng xuất khẩu LNG cho các nước trong khu vực châu Á. Dự kiến, hạng mục này sẽ vận hành thương mại trong giai đoạn 2025-2030. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến lên đến 22,5 tỉ USD.

Ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – đánh giá khu vực Nam Vân Phong có rất nhiều lợi thế để phát triển kho cảng chứa LNG và làm điện khí. Nếu đặt kho cảng khí hóa lỏng tại Nam Vân Phong sẽ thuận lợi cho việc cung cấp khí cho 2 đầu đất nước, thậm chí là Đông Nam Á. Các tàu chở khí đều là tàu có tải trọng lớn, với độ sâu hiện hữu của vịnh Vân Phong, khó có khu vực nào phù hợp hơn.

Bài và ảnh: Kỳ Nam

https://nld.com.vn/thoi-su/van-phong-huong-den-trung-tam-dien-khi-quoc-gia-20210901200011174.htm