Năm học mới của học sinh THCS và THPT: Bắt đầu bằng hình thức học trực tuyến

Từ ngày 13-9, học sinh (HS) THCS và THPT sẽ bước vào năm học 2021-2022 bằng hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, không ít phụ huynh đang băn khoăn, lo lắng… 
Nhiều băn khoăn, lo lắng 
Chị Trần Thị Diễm Quỳnh (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) cho biết, chỉ còn khoảng 1 tuần là đến ngày con chị đi học, nhưng chị và con vẫn chưa nhận được thông báo của nhà trường. Năm nay, con trai chị vào học lớp 9 Trường THCS Trần Quốc Toản. Chị tìm nhóm Zalo phụ huynh HS lớp 8 của con để hỏi thăm nhưng đã bị xóa. Nhóm Zalo của phụ huynh lớp 9 chưa được lập. Ngay cả thông tin HS bậc THCS, THPT bước đầu học trực tuyến chị cũng chỉ được biết qua mạng và phương tiện thông tin đại chúng. Chị chỉ có được sách giáo khoa điện tử do bạn bè chia sẻ, phía nhà trường chưa gửi chính thức. Trong khi đó, con chị băn khoăn về cách học trực tuyến, đơn cử như trong lúc nghe cô giảng, nếu cháu cần mở sách giáo khoa điện tử để theo dõi tiếp thu lời giảng cho dễ hiểu hơn thì có thể mở đồng thời được không, hay phải tắt ứng dụng bài giảng trực tuyến trước…

 

Học sinh của Trường THPT Lý Tự Trọng làm quen với bài giảng trực tuyến.
Học sinh của Trường THPT Lý Tự Trọng làm quen với bài giảng trực tuyến.
Tuy còn nhiều băn khoăn nhưng chị Lê Mỹ Linh (phường Phước Hải, Nha Trang), có con học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Hiền vẫn ủng hộ việc học trực tuyến. “Nhà tôi đang nằm trong “vùng đỏ”, nếu ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho học trực tiếp, con tôi cũng chưa thể đến trường. Tuy học trực tuyến có thể tiếp thu bài giảng không bằng học trực tiếp nhưng trong lúc này, học trực tuyến an toàn cho việc phòng dịch”, chị Linh nói. Tuy vậy, chị cũng lo ngại khi cha mẹ đi làm, có thể con học trực tuyến sẽ không tiếp cận tốt với bài giảng. Việc học trực tuyến suốt buổi, thiếu sự giao lưu thực tế dễ gây mệt mỏi, chán nản, kém tập trung; thầy cô lại khó bao quát được hết cả lớp.
Anh Nguyễn Văn Khải (xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang) lại không lo lắng về những điều đó bởi con gái anh tự giác và chủ động trong học tập. Năm nay, con anh vào lớp 10 Trường THPT Lý Tự Trọng. Trước khai giảng cả tuần, nhà trường đã gửi thông báo cho con anh về chủ trương học trực tuyến. Lớp cũng nhanh chóng lập nhóm Zalo, thông tin, giải thích kịp thời thắc mắc của HS trong lớp, cũng như các yêu cầu khai báo thông tin, đăng ký các thủ tục từ phía nhà trường. Tuy nhiên, anh Khải biết, một số gia đình còn khó khăn, khó tạo điều kiện cho con học trực tuyến. Gần khu nhà anh, có gia đình không có máy vi tính, không dùng điện thoại thông minh, cũng không có đường truyền Internet; có nhà tuy có Ipad nhưng đã bị hỏng trong khi đang giãn cách xã hội nên chưa thể đi sửa hoặc mua mới vì các cửa hàng đều đóng cửa.
Tháo gỡ khó khăn 
Năm học 2021- 2022, Khánh Hòa tổ chức khai giảng vào ngày 13-9, tại 1 điểm ở huyện Khánh Vĩnh, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa (có thể thay đổi tùy vào tình hình dịch Covid-19). Đối với những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, cấp mầm non, tiểu học tạm dừng đến trường; các cấp học còn lại sẽ bắt đầu học trực tuyến. Với những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 19, cấp mầm non tạm ngừng đến trường, các cấp học còn lại được phép đón HS đến trường với điều kiện phải tổ chức thực hiện giãn cách HS trong lớp học.
Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở đang từng bước tháo gỡ khó khăn. Sở đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các địa phương thống kê số liệu những trường, giáo viên, HS không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến để có phương án hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, những HS không có thiết bị và đang ở khu phong tỏa, cách ly tạm thời thì nhà trường phối hợp với địa phương chuyển tài liệu cho HS. “Sở đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên giảng dạy chuẩn bị tài liệu, bản hướng dẫn HS tự học (bản giấy) và thống nhất thời gian, hình thức gửi-nhận bản giấy với những em không thể tham gia học trực tuyến”, ông Hải thông tin.
Để công tác quản lý và điều hành việc dạy, học trực tuyến được hiệu quả, sở đã yêu cầu các trường chỉ sử dụng 1 trong 2 hệ thống phần mềm: Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12 Online của Viettel (địa chỉ truy cập: https://k12online.vn); Hệ thống quản lý HS và thi trực tuyến E-Learning của VNPT (địa chỉ truy cập: https://vnedu.vn). Hai phần mềm này đều dễ sử dụng, hỗ trợ tạo và xây dựng bài giảng; đồng thời dễ dàng chuyển trực tiếp kết quả đánh giá HS trực tuyến sang học bạ điện tử.
Bên cạnh đó, để bảo đảm giám sát quá trình học tập của HS, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT kết nối chặt chẽ với phụ huynh HS; phối hợp với gia đình trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến. Ông Hải bày tỏ: “Việc học trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 là thách thức lớn đối với HS, nhà trường và toàn ngành GD. Tuy nhiên, học trực tuyến cũng là một hình thức giúp các em rèn luyện tính tự giác, nâng cao kỹ năng học tập, tìm tòi. Kết quả học tập của các em được đánh giá dựa trên quá trình tham gia học tập trực tuyến… Chúng tôi rất mong phụ huynh HS có thể đồng hành cùng con em mình trong giai đoạn khó khăn này”.
MAI – TRÚC
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202109/nam-hoc-moi-cua-hoc-sinh-thcs-va-thpt-bat-dau-bang-hinh-thuc-hoc-truc-tuyen-8227777/

Người xem: 69

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *