Thời gian qua, UBND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã kịp thời phát hiện, kiến nghị một số vướng mắc trong theo dõi, thi hành pháp luật. Những kiến nghị này đã được cấp trên ghi nhận, có hướng dẫn cụ thể.
Kiến nghị hướng dẫn giám sát việc giám hộ
Quá trình theo dõi, thi hành pháp luật lĩnh vực giám hộ, Phòng Tư pháp huyện Diên Khánh nhận thấy, Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ…”. Tuy nhiên, đến năm 2018, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trình tự, thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ hay cử cá nhân, pháp nhân giám sát việc giám hộ. Vì vậy, phòng đã tham mưu UBND huyện đề nghị Sở Tư pháp xem xét, tổng hợp kiến nghị này lên cấp trên. Sở đã hướng dẫn huyện tạm thời giải quyết tương tự thủ tục đăng ký giám hộ.
Ông Huỳnh Văn Phi – Trưởng phòng Tư pháp huyện Diên Khánh cho biết, trên địa bàn huyện đã phát sinh tình huống thực tế. Một xã tiếp nhận trường hợp bà nội (ở nước ngoài) của một cháu bé yêu cầu đăng ký cho người chú giám sát việc giám hộ đối với mẹ kế của cháu. Trường hợp này đã được giải quyết kịp thời theo đúng hướng dẫn của Sở Tư pháp. Sau này, một huyện khác cũng đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn giải quyết về nội dung tương tự và sở đã có hướng dẫn chung cho toàn tỉnh.
Tháng 11-2018, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã tiếp thu kiến nghị và chính thức hướng dẫn trong tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ hộ tịch, ban hành kèm Quyết định số 2721 ngày 5-11-2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, khi có yêu cầu đăng ký giám sát việc giám hộ, UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ thực hiện tương tự thủ tục đăng ký giám hộ.
Ghi nhận vướng mắc về chứng thực
Ngoài kiến nghị trên, những năm gần đây, nhiều ý kiến của cấp xã đã được Phòng Tư pháp huyện nghiên cứu, tham mưu UBND huyện kiến nghị cấp trên. Mới đây, vào tháng 7, một công chức tư pháp – hộ tịch xã nộp hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Diên Khánh. Trong hồ sơ, hợp đồng giao dịch được chứng thực tại UBND xã, bên A trong hợp đồng và người tiếp nhận hồ sơ để chứng thực cùng là công chức tư pháp – hộ tịch trên. Sau khi tham vấn Phòng Tư pháp huyện, được biết, các văn bản pháp luật không quy định về vấn đề này nên chi nhánh đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ theo quy định.
Từ trường hợp này, Phòng Tư pháp huyện nhận thấy, Nghị định 23/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch chỉ quy định nghĩa vụ, quyền của người thực hiện chứng thực mà chưa nhắc đến người tiếp nhận hồ sơ chứng thực. Trong khi đó, người tiếp nhận hồ sơ lại tham mưu cho lãnh đạo về việc bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi; chữ ký của người tiếp nhận hồ sơ cũng được thể hiện trong phần lời chứng. Như vậy, tuy pháp luật hiện hành không quy định, nhưng nếu người tiếp nhận hồ sơ cũng là người nộp hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân hoặc của người thân thích thì khó bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan. Do đó, Phòng Tư pháp huyện tham mưu UBND huyện kiến nghị bổ sung nghĩa vụ, quyền của người tiếp nhận hồ sơ chứng thực; đặc biệt trong trường hợp tiếp nhận hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân hoặc của người thân thích.
Ông Huỳnh Văn Phi cho biết, kiến nghị trên của UBND huyện đã được Sở Tư pháp ghi nhận và thông báo sẽ kiến nghị với cấp có thẩm quyền.
NGUYỄN VŨ
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202109/cong-tac-tu-phap-o-dien-khanh-kip-thoi-kien-nghi-nhung-vuong-mac-8228849/
Người xem: 2