Những tiết học trực tuyến đầu tiên của năm học mới không tránh khỏi trục trặc, vướng mắc nhưng thầy và trò các trường đều quyết tâm tìm cách khắc phục.
Chật vật với thiết bị, đường truyền
Tuy đã được giáo viên (GV) chủ nhiệm hướng dẫn chi tiết cách đăng nhập tài khoản để vào lớp học trực tuyến, nhưng đến khi vào tiết học, vẫn có học sinh (HS) không thể vào lớp do thao tác không chính xác. Một số HS phản hồi không nghe được tiếng GV giảng. Thậm chí có HS đang học thì nhà bị cúp điện… Đây là một vài tình huống đã xảy ra ở những tiết học trực tuyến đầu tiên của năm học mới 2021 – 2022.
Thầy Lê Văn Luân – GV môn Tin học Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) chia sẻ, trong buổi học đầu tiên, toàn trường có 6 HS gặp trục trặc về thiết bị, không vào lớp được. Một số thầy cô còn lúng túng khi chia sẻ màn hình, dùng loa. Có GV vào lớp mà quên đăng xuất email cá nhân trong khi tài khoản dạy học được cấp lại sử dụng email công vụ nên gặp đôi chút trục trặc. Còn thầy Phạm Trung Khiên – GV môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) cho biết, trung bình 1 buổi, thầy dạy 3-4 tiết; nếu dạy học trực tiếp, thầy có thể chờ HS suy nghĩ và trả lời, nhưng với giờ giảng trực tuyến, thầy phải liên tục nói, không để trống thời gian. Vì vậy, GV phải tập điều tiết sức để dạy tiết cuối vẫn đủ năng lượng như dạy tiết đầu. Ngoài ra, quá trình kết nối của các HS không như nhau; hoặc có những tình huống bất khả kháng như HS đang học thì phường gọi ra test Covid-19…
Những em có hoàn cảnh khó khăn, việc học trực tuyến còn khó khăn hơn. Một phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Trưng Vương (TP. Nha Trang) chia sẻ, nhà không có máy vi tính nên con dùng điện thoại của mẹ để học trực tuyến. Nhiều lúc đang học có cuộc gọi điện đến, con phải tạm dừng học để chuyển điện thoại cho mẹ nói chuyện. Cô Nguyễn Thị Thanh Lý – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh) cho biết, ở trường Ngô Gia Tự có khoảng 30% HS có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập.
Nỗ lực thích ứng
Nhiều GV cho rằng, trong dạy học trực tuyến, khó khăn đầu tiên là việc kết nối. Bên cạnh đó, GV phải thành thục thao tác dạy trực tuyến; chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng; quản lý tốt lớp học. Riêng việc soạn giáo án điện tử, GV không chỉ khái quát kiến thức mà còn sử dụng một số ứng dụng hỗ trợ làm sinh động bài giảng, dự phòng các tình huống phát sinh để linh hoạt thay đổi, tránh thời gian trống…
Thực tế, giờ dạy đầu năm của thầy Khiên diễn ra rất sôi nổi, đầy cảm hứng. Tiết học về giai đoạn cận đại ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á, nhưng thay vì giới thiệu theo mạch thời gian đối với từng quốc gia, thầy đã giúp HS phân tích được quá trình xâm lược của thực dân phương Tây, hình thức đấu tranh, người lãnh đạo… Qua đó, giúp HS tự xâu chuỗi, so sánh về phương pháp đấu tranh, liên hệ với thực tiễn, rút ra các bài học, từ đó có thể mở rộng tự tìm hiểu thêm.
Thầy Luân cho biết, các GV đều chủ động học hỏi, chia sẻ về các hình thức tương tác trực tuyến với HS; giới thiệu ứng dụng hỗ trợ soạn bài. Nhiều trường còn dự phòng phần mềm khác để GV linh động chuyển sang khi phần mềm đang dạy trục trặc. Trường THCS Thái Nguyên tạo một nhóm trên Zalo để hỗ trợ kỹ thuật khi các GV gặp vướng mắc. Có GV tự mua thêm camera để có thể đứng giảng trên bục, tạo cho HS cảm giác học trực tiếp. Một số thầy cô còn chủ động mang máy tính lên trường dạy đề phòng việc dạy bị ngắt quãng do nhà bị cúp điện. Để tạo động lực học tập, hiệu trưởng nhà trường còn mua quà thưởng cho HS, lớp và GV có bài viết ấn tượng về ngày khai trường và được đăng trên fanpage của trường…
Ở Trường THPT Ngô Gia Tự, trường ghép lớp cho các HS khó khăn có thể dùng chung thiết bị với các HS khác; vận động các gia đình có dư máy tính, điện thoại thông minh cũ cho HS khó khăn mượn học; nếu máy bị hư, trường huy động người sửa chữa… Để khắc phục việc thiếu thiết bị học tập, nhiều HS chủ động đi mượn máy tính, điện thoại di động. Em Nguyễn Ngọc Khánh Trân, HS lớp 12C1 Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh) nói: “Chúng em sẽ cùng nhau nỗ lực thay đổi, thích ứng với điều kiện học hành mới, với sự đồng hành của thầy cô và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ”.
Ông Võ Hoàn Hải – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực hết sức, chỉ đạo kịp thời các trường đa dạng hóa hình thức học tập, đảm bảo mọi HS đều có quyền bình đẳng về cơ hội học tập. Chúng ta bắt đầu năm học mới giữa bối cảnh không bình thường là để cùng nhau tạo nên những dấu ấn thật đặc biệt trong năm học này. |
MAI – TRÚC
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202109/hoc-truc-tuyen-thay-tro-cung-no-luc-8228958/
Người xem: 2