Trường Sa trong trái tim kiều bào

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant vừa ra mắt bạn đọc cuốn truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” (Nhà xuất bản Dân Trí, tháng 4-2021). Đây là cuốn sách khá sinh động viết về Trường Sa và những tình cảm sâu nặng của kiều bào ta ở nước ngoài đối với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Là nhà văn Việt Nam sống và làm việc tại Pháp, vào tháng 4-2018, Hiệu Constant đã may mắn được về Việt Nam và tham gia chuyến đi thăm đảo Trường Sa trong 10 ngày cùng gần 70 kiều bào khác đang sống, làm việc ở 24 quốc gia trên thế giới. Hành trình của chuyến đi cùng con tàu Hải quân KN491 từ cảng Cam Ranh đến các đảo chính là nguồn cảm hứng để tác giả viết nên cuốn sách dày hơn 180 trang.

Tuy chỉ ghi lại những gì diễn ra trong cuộc hành trình mà mình trực tiếp chứng kiến, nhưng cuốn truyện ký được nhà văn thể hiện rất ấn tượng. Từ đảo Trường Sa Lớn đến Song Tử Tây, Đá Thị, Đá Nam, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Phan Vinh, Nhà giàn DK1…, tuy mỗi nơi mang một hình hài, dáng vóc, nhưng tất cả đều chứa đựng những khúc tráng ca đầy niềm tự hào của dân tộc. Cảnh những vòng hoa tươi của các chiến sĩ hải quân thả xuống giữa sóng nước trùng khơi để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ; cảnh những lớp học với tiếng trẻ ê a học bài lan đi giữa những làn gió biển; cảnh những chiếc thuyền đánh cá trở về đảo với nụ cười hân hoan hay cảnh những chàng lính trẻ ôm súng canh gác biển trời bên những vòm đá sóng tung trắng xóa…, qua ngòi bút của Hiệu Constant, tất cả được thể hiện rất sinh động.

 

 

Là nhà văn am hiểu nhiều về lịch sử nên Hiệu Constant đã khéo léo chuyển tải trong tác phẩm nhiều tư liệu quý về tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc khi đề cập đến các sự kiện liên quan tới biển đảo quê hương. Tác giả cũng dành khá nhiều trang để miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên hay những cảnh sinh hoạt với lối văn nhẹ nhàng, cuốn hút người đọc. Chẳng hạn như khi đến thăm những ngôi chùa ở các đảo, tác giả viết: “Khi ra đến Trường Sa xa xôi này, trên những hòn đảo giữa biển khơi mênh mông thì hơn lúc nào hết, tôi hiểu giá trị từ những cột mốc chủ quyền, ngôi chùa, chuông đồng, cây muống biển, các loài cây mà tôi chưa biết tên, hay mọi cây cỏ bất kỳ mà tôi gần gũi, thân thiện, sâu lắng hòa quyện vào nhau, khiến cuộc sống thanh bình mà trở nên thiêng liêng biết dường nào… Giữa trùng dương mênh mang, ngỡ chỉ có sóng gió và bão giông khắc nghiệt, thì bên cạnh những nếp nhà, những hàng cây xanh, mái chùa cong với không gian tĩnh lặng, thi thoảng lanh lảnh tiếng chuông ngân lại mang một nét đẹp văn hóa tâm linh sâu sắc, tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho đầu sóng ngọn gió…”.

Đặc biệt, thông qua những cuộc trò chuyện, phỏng vấn, Hiệu Constant đã giới thiệu khá nhiều tâm tư, tình cảm của kiều bào ở nhiều nước khác nhau tham gia trong chuyến đi. Rất nhiều người trong số họ là chính khách, giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà văn…, tuy mỗi người một hoàn cảnh, định cư ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có thể khác nhau về tuổi tác, về nhận thức… nhưng điểm chung là luôn ý thức sâu sắc về chủ quyền, lãnh thổ mà bao thế hệ người Việt đã đổ mồ hôi, xương máu giữ gìn. Ai cũng bày tỏ nguyện vọng được đóng góp sức mình để bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó có quần đảo Trường Sa thân yêu.

Ở phần đầu của tác phẩm, tác giả chia sẻ: “Đọc cuốn sách nhỏ của tôi, ai đã từng đi Trường Sa rồi đều có thể giữ lại cho mình những kỷ niệm được đóng khung trong các con chữ. Còn ai chưa đến Trường Sa thì sẽ ít nhiều khám phá được vùng biển thiêng liêng này”. Thật vậy, ở “Kiều bào với Trường Sa”, có bao điều đáng trân trọng, trong đó có tình cảm và tiếng nói từ trái tim của những người con xa Tổ quốc.

 

Hiệu Constant tên thật là Nguyễn Thị Hiệu, sinh năm 1971 tại Hà Tây, tốt nghiệp ngành tiếng Pháp thuộc Khoa tiếng nước ngoài của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó tốt nghiệp chuyên ngành Văn học so sánh của Trường Đại học Paris Sorbonne IV. Chị là nhà văn, tác giả của 4 cuốn tiểu thuyết, là dịch giả của 70 tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; là cộng tác viên của Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều tờ báo trong nước; trở thành một trong những chiếc cầu nối của văn hóa Việt – Pháp.

 

Hoàng Nhật Tuyên
https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202109/truong-sa-trong-trai-tim-kieu-bao-8229071/

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *