Thợ hồ, thợ sắt là người lao động tự do bị thất nghiệp, khó khăn do COVID-19 ở TP Nha Trang đến nay vẫn không được hỗ trợ, vì không thuộc ngành nghề được hỗ trợ theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Ngày 19-10, Tuổi Trẻ Online nhận phản ánh của ông Nguyễn Trần Đức Anh (42 tuổi), ở thôn Phước Điền, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) “nhờ làm rõ giùm những người lao động tự do chúng tôi bao giờ mới nhận được tiền hỗ trợ khó khăn vì dịch bệnh COVID-19. Từ đầu dịch đến nay đã 5 tháng, xã chỉ lấy danh sách. Nhiều nơi đã hỗ trợ đợt 3, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào”.
Ông Nguyễn Trần Đức Anh cho biết thêm, bản thân ông làm nghề thợ sắt, vợ ông buôn bán nhỏ nên gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng thôn với ông còn có rất nhiều thợ hồ bị thất nghiệp vì dịch COVID-19 cũng đã khai báo với thôn, với xã như ông, nhưng đến nay cũng đều không được hỗ trợ.
“Nhà thôn trưởng chỉ cách nhà tôi có mấy chục mét nên vài ngày là tôi có hỏi về việc hỗ trợ đó, nhưng ông thôn trưởng đều chỉ nói chưa nghe xã báo gì” – ông Đức Anh nói.
Trước đó, nhiều người ở một tổ dân phố Tây Nam, phường Vĩnh Hải (TP Nha Trang) cũng phản ánh: “Chúng tôi cũng đã khai báo, nộp giấy tờ cho tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ phường để được hỗ trợ khó khăn từ mấy tháng qua, nhưng đến giờ cũng đều bị “lặn tăm” luôn, chẳng nghe thấy hỗ trợ gì. Thợ hồ cả xóm này đều bị như vậy hết”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Mai Loan – trưởng Phòng lao động, thương binh và xã hội TP Nha Trang – cho biết: “Cho đến nay, TP Nha Trang đã chi hết số tiền hỗ trợ khoảng 75 tỉ đồng cho các xã, phường để cấp phát hỗ trợ theo danh sách đã được duyệt cho hơn 36.700 người lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, thuộc các diện theo quy định của tỉnh”.
Bà Loan giải thích, việc trực tiếp chi trả tiền hỗ trợ cho dân và công khai về việc hỗ trợ theo quy định là thuộc trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, phường.
Còn các đối tượng được UBND TP Nha Trang xem xét, phê duyệt hỗ trợ là phải thuộc các ngành, nghề cụ thể theo quy định tại các quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành.
“Không phải tất cả người lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19 đều được hỗ trợ. Cho đến nay thợ sắt, thợ hồ đều không thuộc diện được hỗ trợ khó khăn theo các quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành”, bà Loan nói.
Ngân sách tỉnh không còn đủ để hỗ trợ cho thêm 250.000 người thợ tự do
Chiều 19-10, giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa Tạ Hồng Quang cho biết, theo thống kê của sở, ngoài số lao động tự do làm các ngành nghề đã được hỗ trợ, hiện nay toàn tỉnh đang còn khoảng 250.000 người cũng thuộc nhóm không có giao kết hợp đồng lao động cần được hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Sở đã có báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ cho số người lao động tự do nêu trên, gồm thợ hồ, thợ sắt, thợ mộc… Thế nhưng, theo ông Quang, “Sở Tài chính tỉnh đã có báo cáo hiện nay ngân sách của tỉnh không còn có đủ để chi hỗ trợ cho nhóm lao động tự do 250.000 người đã nêu. Vì vậy, Sở Lao động, thương binh và xã hội cũng phải chờ tỉnh tiếp tục xem xét”.
Trong khi đó, cũng theo ông Quang, quy định của Chính phủ tại nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ cho người lao động khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 có 12 nhóm đối tượng lao động. Riêng nhóm lao động tự do “không có giao kết hợp đồng lao động” (nhóm số 12) thì việc hỗ trợ phải do ngân sách địa phương đảm nhận toàn bộ 100%. Còn mức hỗ trợ thì Chính phủ đã quy định không được thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hỗ trợ.
Do đó, ngoài kinh phí mà tỉnh đã chi hỗ trợ cho 110.000 người lao động, hiện nay việc tìm kiếm thêm nguồn ngân sách để hỗ trợ 250.000 người kể trên (khoảng 375 tỉ đồng) là “đang gặp rất nhiều khó khăn, nên rất cần có sự chia sẻ, thông cảm của người dân với tỉnh” – ông Quang nói.
Kiến nghị TP.HCM rà soát kỹ người chưa nhận được hỗ trợ để giải quyết thỏa đáng
Người xem: 32