Mưa lớn, nhiều nơi ngập sâu

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn trong ngày 10 và 11-11 đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, chia cắt, gây khó khăn cho đi lại của người dân.

. Di dời 425 hộ/1.579 khẩu đến nơi an toàn

Tại các xã Vạn Lương (Vạn Ninh), Ninh Ích, Ninh Lộc (Ninh Hòa) và 1 số xã huyện Diên Khánh nước ngập cục bộ tại các khu vực, chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng chốt chặn, không để người dân qua lại nơi nguy hiểm.

 

Lực lượng dân quân chốt chặn cầu tràn tại xã Suối Cát.
Lực lượng dân quân chốt chặn cầu tràn tại xã Suối Cát.

Tính đến chiều 11-11, toàn tỉnh đã có 425 hộ/1.579 khẩu tại những khu vực xung yếu được di dời đến nơi an toàn. Trong đó phần nhiều là ở TP. Nha Trang (di dời 411 hộ/1.527 nhân khẩu).

Nha Trang: Chủ động ứng phó với mưa, lũ

Chiều 11-11, ông Lưu Thành Nhân – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, do mưa lớn ở thượng nguồn kết hợp với hồ Suối Dầu xả lũ theo quy trình nên trong ngày 11-11, nước sông Cái dâng cao, một số khu vực ở các xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương đã bị ngập.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND xã Vĩnh Phương đã tổ chức di dời 3 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở; UBND xã Vĩnh Ngọc đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ tháo dỡ một phần cầu Phú Kiểng bắc qua sông Cái (đề phòng lũ cuốn trôi), bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không cho người dân qua lại.

Trước đó, UBND TP. Nha Trang đã có công văn yêu cầu các xã, phường chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó; căn cứ tình hình mưa lũ để chủ động quyết định thời gian sơ tán người dân; phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố xét nghiệm SARS-CoV-2 cho dân tại các điểm sơ tán, trú tránh thiên tai để phòng dịch (nếu cần thiết). Các đồn biên phòng phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện du lịch, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền…

Cam Lâm: Mưa lũ làm ngập úng 12ha lúa

Ông Đặng Chí Liêm – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết, trong đêm 10-11 và ngày 11-11, trên địa bàn huyện có mưa to, có nơi mưa rất to, 100-180mm. Đến 17 giờ ngày 11-11, trên địa bàn huyện chưa có thiệt hại đáng kể; tại xã Suối Cát, mưa lũ làm ngập 12ha lúa hè thu muộn của người dân thôn Suối Lau 1.

Khánh Vĩnh: Nhiều cầu tràn ngập sâu

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Khánh Vĩnh cho biết, do mưa lớn kéo dài từ tối 10-11, nước sông dâng cao nên sáng 11-11, một số cầu tràn trên địa bàn huyện đã bị ngập, như: Cầu Thác Ngựa (từ thị trấn Khánh Vĩnh đi xã Khánh Nam); cầu Sông Trang (từ xã Liên Sang đi xã Giang Ly – Khánh Thượng); các cầu Yangbay 1, Yangbay 2, Yangbay 3 của xã Khánh Phú; cống 3 giáp Tỉnh lộ 2 thuộc xã Sông Cầu… Tại các điểm ngập, các địa phương đã cử lực lượng dân quân trực chốt, hướng dẫn người dân lưu thông bằng đường qua cầu treo. Trên Quốc lộ 27C (đường Nha Trang – Đà Lạt), đoạn km 41+300 đèo Khánh Lê, qua xã Sơn Thái xảy ra sạt lở gây tắc đường hoàn toàn, khối lượng ước khoảng 9.000m3. Ngoài ra, tại km55+500 cũng bị sạt lở nhẹ, nhưng do khu vực này nước chảy siết, nhà thầu cắt cử lực lượng để bảo đảm an toàn cho người giao thông.

Tại điểm trường Ngầm 1 của Trường Tiểu học Khánh Thành (xã Khánh Thành), tường rào mặt giáp với chân đồi dốc của trường đã bị sập do nước lớn, rất may không có thiệt hại về người. Ông Bùi Hữu Hóa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, phòng đã yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh cho học sinh nghỉ học từ trưa 11 đến hết ngày 12-11.

Khánh Sơn: Xuất hiện 1 điểm sạt lở

Chiều 11-11, ông Đỗ Nhi Huy – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Khánh Sơn cho biết, do mưa lớn kéo dài, tại khu vực thôn Tà Giang 1 (xã Thành Sơn) đã xuất hiện 1 điểm sạt lở. Chính quyền địa phương đã di dời 3 hộ dân, với 14 nhân khẩu sinh sống gần đó đến nơi an toàn; nếu khu vực này tiếp tục sạt lở, địa phương sẽ di dời thêm 10 hộ dân.

Ngoài ra, do mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về nhiều đã khiến cho một số cầu tràn trên địa bàn huyện bị ngập, gây chia cắt giao thông cục bộ như: cầu tràn Ko Róa (Sơn Lâm đi Thành Sơn), cầu tràn Sơn Trung (Sơn Trung đi Sơn Hiệp), cầu tràn Tà Giang xã Thành Sơn (thôn Tà Giang 1 đi thôn Tà Giang 2). Các địa phương đã đặt biển cảnh báo, cắt cử lực lượng chốt chặn để cảnh báo người dân không lưu thông qua lại khi nước lớn.

Cam Ranh: Sẵn sàng lực lượng ứng phó

Ngày 11-11, UBND TP. Cam Ranh có công văn khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho UBND các xã, phường, cơ quan, đơn vị và người dân để chủ động nắm bắt, phòng tránh, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. UBND các xã, phường tăng cường công tác thông tin cảnh báo về diễn biến thời tiết, thiên tai, mưa lũ; chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, triển khai rà soát các khu vực cầu, ngầm, tràn… thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để bố trí lực lượng đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có thiên tai xảy ra…

Nhóm PV
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202111/mua-lon-nhieu-noi-ngap-sau-8234789/

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *