Vận tải lao đao với giá xăng dầu

 

Nhiều doanh nghiệp vận tải lo phí xăng dầu tăng nhưng không thể tăng cước ngay. Trong ảnh: xe cộ lưu thông trên quốc lộ 22 khu vực cầu vượt, hầm chui ngã tư An Sương, TP.HCM ngày 27-10 – Ảnh: T.T.D.

Riêng với các doanh nghiệp vận tải hành khách, sau nhiều tháng “trùm mền” hàng ngàn đầu xe bởi dịch Covid-19, kế hoạch mở tuyến đón khách trở lại cũng tiếp tục bị trì hoãn với lý do giá xăng dầu tăng cao, chưa kể chi phí phòng dịch, giảm số ghế hành khách…

Giá xăng dầu “ăn” hết tiền cước

Có hơn 40 xe đầu kéo chuyên chạy chở hàng Nam – Bắc, ông Trần Văn Thành – tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu – cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp vận tải hàng hóa vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải.

“Khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỉ lệ này tăng lên khoảng 50% giá thành vận tải. Doanh nghiệp có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu nhưng tăng giá cước vận chuyển không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký, đối tác chần chừ chưa đồng ý là đơn vị vận chuyển cũng ngấm đòn” – ông Thành nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng giá xăng dầu tăng mạnh tại thời điểm này là cú sốc nặng nề đối với các doanh nghiệp logistics và vận tải. Các doanh nghiệp vận tải đang trong cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài.

Chi phí đầu vào phát sinh ngày càng tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch (xét nghiệm, giãn cách…), trong khi không thể tăng giá cước nếu không muốn mất khách, chưa kể giá cước vận chuyển đã được ký kết trước đó.

“Do vậy, khi giá xăng tăng mạnh và đột ngột, doanh nghiệp vận tải trở tay không kịp, ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn” – lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải than.

Xe khách lăn bánh là chịu… lỗ!

Không chỉ vận tải hàng hóa mà doanh nghiệp xe khách đau đầu với việc rục rịch trở lại khi “xe lăn bánh là lỗ”. Một doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh có quy mô lớn cho biết trong 15 – 17 khoản mục chi phí của hoạt động vận tải, xăng dầu chiếm tỉ lệ từ 30 – 35%. Để hòa vốn phải đạt từ 60% hệ số ghế trở lên. Ví dụ xe 40 ghế phải chở được 24 khách.

Dù chưa trở lại hoạt động, song doanh nghiệp này dự đoán số lượng khách vẫn còn khá ít, chưa kể thời gian đầu có khả năng áp dụng giãn cách ghế trên xe, khiến lượng khách trên xe đạt 10 – 15 khách. Như vậy, khi đi vào hoạt động, xe lăn bánh là lỗ, doanh nghiệp có thể bị “kéo chìm” bất cứ lúc nào.

Trường hợp không thể tăng giá cước, doanh nghiệp e dè trở lại hoặc phải bán bớt phương tiện thu hẹp hoạt động.

Ông Tạ Long Hỷ – phó tổng giám đốc taxi Vinasun – cho biết dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, số lượng xe được phép hoạt động trở lại khá khiêm tốn. Lượng khách đi lại bằng taxi chưa nhiều, giá cả không phải tùy tiện điều chỉnh. Doanh nghiệp ở tình thế phải tính toán điều chỉnh giá cước khi giá xăng tăng.

Nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước cũng không phải dễ do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng, chỉ cần nhích tăng giá là lượng khách sẽ càng ít hơn.

“Chúng tôi cũng đang tính toán cách nào để tiết giảm chi phí, giá cước vận chuyển phù hợp với tình hình thực tế” – ông Hỷ nói.

Phải giảm thuế để ghìm giá xăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Quang Khanh – phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu VN – cho biết đã đề xuất với tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công thương tại cuộc họp vào ngày 29-10 về việc xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5RON92.

“Mỗi lít xăng sinh học E5RON92 đang cõng 3.800 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Nếu giảm 30 – 40%, tương ứng với 1.200 – 1.400 đồng/lít, giá xăng E5RON92 sẽ được kéo xuống, vừa khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học thân thiện với môi trường vừa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi kinh tế” – ông Khanh nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng xăng dầu đang cõng 4 loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Do đó, để kìm đà tăng giá xăng, Bộ Tài chính cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5RON92.

Ngân sách có thể giảm một phần nhưng có thể tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử, thu hồi nợ đọng… để bù lại.

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, dù CPI tháng 10 giảm nhưng một số nhóm có chỉ số giá ở mức cao. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 2,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,08% do giá xăng dầu tăng.

L.THANH – N.AN

Làm chậm quá trình phục hồi kinh tế

Theo ông Bùi Văn Quản – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, việc tăng giá xăng dầu bất ngờ sẽ khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa lãnh đủ. Bởi hợp đồng vận chuyển với chủ hàng đã ký, nếu không có sự đồng ý của chủ hàng sẽ khó tăng giá cước.

Ngay cả trong đợt bùng phát dịch, doanh nghiệp chịu nhiều chi phí phòng chống dịch nhưng chủ hàng cũng không đồng ý tăng giá cước.

“Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải điều chỉnh, đưa ra giá cước vận tải mới phù hợp với đầu vào của vận tải. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách” – ông Quản cảnh báo.

https://tuoitre.vn/van-tai-lao-dao-voi-gia-xang-dau-20211031081646579.htm

Người xem: 6

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *