Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn liên tiếp những ngày qua đã gây sạt lở, ngập lụt, gây thiệt hại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nhiều khu vực bị nước lũ cô lập
Trong đêm 30-11, nước trên sông Cái Nha Trang lên nhanh, đạt đỉnh lũ lúc 0 giờ ngày 1-12 với mức 11,46m, trên báo động 3 là 0,46m; trên sông Dinh Ninh Hòa đạt 5,72m, trên báo động 3 là 0,02m. Đến trưa 1-12, lũ trên sông Cái Nha Trang đã giảm xuống dưới mức báo động 1, còn trên sông Dinh Ninh Hòa vẫn duy trì ở mức báo động 2 – 3 và dự báo giảm xuống dưới báo động 1 vào trưa 2-12.
Về công tác đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Khánh Sơn đã tổ chức sơ tán 21 hộ với 88 nhân khẩu thôn Tà Giang 2 (xã Thành Sơn) và thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) ở vùng nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Tại Nha Trang, có 38 hộ với 132 nhân khẩu tại các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương ở vùng xung yếu ngập lụt đã được sơ tán. Đến chiều 1-12, hầu hết các hộ dân đã được quay về nhà.
Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, cùng với một số hồ chứa nước xả điều tiết đã gây ngập lụt nặng nề nhiều nơi. Tại TP. Nha Trang, các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp trong đêm 30-11 đến 8 giờ sáng 1-12 bị cô lập hoàn toàn, có nơi ngập hơn 2m. Qua thống kê, ước tính có gần 8.300 hộ với 35.000 người dân ở các xã này bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Ở các địa phương khác, huyện Diên Khánh ngập lụt các điểm dân cư, những vị trí vùng trũng dọc sông Cái (các xã: Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Lâm, Diên Điền, Diên Phú), ngập khu vực đồng ruộng thuộc xã Diên Thạnh, Diên Lạc; tại Ninh Hòa ngập tại nhiều khu vực ven sông Dinh Ninh Hòa; khu vực 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nước chảy xiết chia cắt tại hầu hết các điểm cầu tràn… Mức ngập phổ biến khoảng 1,5m.
Thiệt hại về người, hạ tầng và sản xuất nông nghiệp
Đối với các công trình, mưa lớn gây sạt lở một số đoạn thuộc bờ đê Sông Gốc, sông Đồng Điền (huyện Vạn Ninh); kè sông Tô Hạp đoạn qua xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn); nhiều tuyến kênh bị ngập sâu trong nước chưa xác định được thiệt hại. Riêng các công trình giao thông bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngập lụt và sạt lở gây ách tắc giao thông tại nhiều tuyến đường ở Nha Trang, Ninh Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… với hàng nghìn khối đất, đá sạt lở tràn ra mặt đường. Tại Nha Trang, phường Vĩnh Phước, 1 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Tại xã Vĩnh Ngọc, cầu gỗ Phú Kiểng bị trôi hoàn toàn, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn Nha Trang tính đến chiều 1-12 ước khoảng 8,1 tỷ đồng.
Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có khoảng 1.450ha lúa bị ngập nước (Vạn Ninh 450ha, Ninh Hòa 1.000ha).
Tại Ninh Hòa, do nước lũ lên nhanh, lúc 16 giờ 30 ngày 30-11, 1 người dân thường trú ở xã Ninh Hưng bị lũ cuốn trôi khi làm rẫy về tại khu vực Suối Hòm, thôn Gò Sắn, xã Ninh Hưng. Thi thể nạn nhân được tìm thấy lúc 6 giờ ngày 1-12.
Còn tại Khánh Vĩnh, mưa lớn đã gây thiệt hại một số công trình, cơ sở hạ tầng. Ở xã Khánh Phú, 1 người dân bị nước lũ cuốn trôi mất tích vào sáng 1-12. Tại xã Cầu Bà, tối 30-11, nước lũ dâng cao đã khiến toàn bộ thiết bị văn phòng, hồ sơ của UBND xã bị hư hỏng; 190 người dân phải di dời. Chiều 1-12, người dân đã trở về nhà để khắc phục hậu quả thiên tai. Theo lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, đến trưa 1-12, toàn huyện ghi nhận thiệt hại, sạt lở tại nhiều điểm cầu, bờ sông… gồm: Bờ sông thôn Chà Liên, ngay chân cầu treo xã Liên Sang; tràn Suối 1, thôn Suối Cau, xã Khánh Đông; 3 tuyến đường dân sinh của xã Khánh Phú; chân mố cầu Yangbay 3, xã Khánh Phú; kè mái bảo vệ chân cầu tràn xã Sơn Thái đi xã Giang Ly; chân cống tràn đường lên xã Giang Ly; bờ sông phía sau UBND xã Sơn Thái, gây hư hỏng đoạn cuối kè thôn Bố Lang… ngoài ra, mưa lụt còn gây thiệt hại 15,7ha cây trồng các loại, nhiều diện tích nông nghiệp bị ngập sâu.
H.Đ – V.THÀNH
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202112/nhieu-dia-phuong-bi-thiet-hai-do-mua-lu-8236774/
Người xem: 2