Cam Lâm: Siết chặt quản lý khoáng sản, môi trường

Huyện ủy Cam Lâm vừa ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Qua đó, đẩy mạnh hiệu quả trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, không để xảy ra điểm nóng liên quan đến các lĩnh vực này.

Còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo của Huyện ủy Cam Lâm, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nên công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý các lĩnh vực này có lúc, có nơi vẫn thiếu chặt chẽ. Một số địa phương còn buông lỏng và chậm xử lý vi phạm; tình trạng khai thác đất san lấp, cát, đá và vật liệu xây dựng trái phép, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc còn diễn ra thường xuyên ở một số nơi; việc xử lý ô nhiễm môi trường chưa đạt yêu cầu đề ra.

Một điểm khai thác khoáng sản trái phép tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.
Một điểm khai thác khoáng sản trái phép tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.

Nguyên nhân chính dẫn tới các tồn tại nêu trên là do trên địa bàn huyện đang diễn ra nhiều dự án lớn dẫn đến nhu cầu về đất san lấp, cát, đá với khối lượng lớn, trong khi nguồn cung ứng khan hiếm. Cùng với đó, hiện nay, khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn rất lớn nhưng chủ yếu xử lý bằng chôn lấp, chưa có nhà máy xử lý rác thải hiện đại để giải quyết khối lượng rác thải tương ứng, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên, cấp phép khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường còn bất cập; việc triển khai đầu tư dự án xử lý rác thải trên địa bàn huyện còn chậm…

Ông Nguyễn Trọng Trung – Bí thư Huyện ủy Cam Lâm cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan, về chủ quan, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý chặt chẽ về tài nguyên khoáng sản; thiếu giải pháp khả thi, hữu hiệu trong quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương, chưa quyết liệt trong xử lý các vi phạm. Các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong tham mưu và thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, môi trường của một số cá nhân, tổ chức cũng không nghiêm, còn nhiều sai phạm.

Siết chặt quản lý

Nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương, Huyện ủy Cam Lâm xác định cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc trong công tác tuyên truyền và hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở; trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên, quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường phải được nêu cao; nhanh chóng chấn chỉnh và khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng trong quản lý tài nguyên khoáng sản, tăng cường kiểm tra quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Các tổ chức, cá nhân vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định. Bản thân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc địa bàn quản lý. Đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm thì cần được xem xét trách nhiệm kỹ lưỡng, nghiêm minh hơn, xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn…

Về quản lý bảo vệ môi trường, huyện Cam Lâm sẽ quy hoạch và xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước mưa, nước thải, rác thải phù hợp khi quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị Cam Đức, Suối Tân, Cam Hải Đông; bố trí hợp lý diện tích đất cho cảnh quan môi trường như tăng cường trồng cây xanh dọc các tuyến đường, công viên; hình thành các thảm cây xanh trong khu vực đô thị. Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp, Khu Công nghiệp Suối Dầu, nhà máy đường… phải được quản lý và xử lý nghiêm các hoạt động xả nước thải, rác thải.

Ông Nguyễn Trọng Trung cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phục hồi môi trường rừng và tăng cường trồng rừng ngập mặn ven đầm Thủy Triều; quy hoạch và triển khai vùng chăn nuôi tập trung một cách khoa học, có tầm nhìn dài hạn; quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung, tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện.

Đình Lâm
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202112/cam-lam-siet-chat-quan-ly-khoang-san-moi-truong-8238917/

Người xem: 1

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *