“Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt. Phước Hải xuân về cọp thưởng mai” là những câu thờ tại các miếu ông cọp của cái xứ Trầm hương – Khánh Hòa.
Khánh Hòa nổi tiếng là xứ trầm hương, nhưng dân gian lại có câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Vậy tại sao Khánh Hòa lại nổi tiếng về cọp?
Cọp nghiện trầm
Trong hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương lừ 1897-1902) xuất bản lần đầu năm 1904, ông cho biết đến Khánh Hòa lần đầu tiên vào năm 1897 trên chuyến tàu biển khởi hành từ Huế. Trong ký ức của viên toàn quyền người Pháp, Khánh Hòa không giàu, cũng không đông dân, nhưng động vật hết sức đa dạng. Các sĩ quan người Pháp khi cập tàu vào Nha Trang đã gọi đây là “vùng hổ”. “Chúng thống trị tuyệt đối và không thể thách thức tại các vùng quanh Nha Trang và cả ở những vùng đất xa về phía Bắc và phía Nam… Một khi lãnh thổ đã thuộc về chúng, chẳng có gì khiến chúng phải e ngại. Ai muốn giữ mạng thì hãy chạy hoặc trốn”, Paul Doumer viết.
Hổ trên bưu ảnh thời Pháp thuộc – ảnh: TL
Người Nha Trang xưa cũng tương truyền 2 câu thơ của nhà nho Thuần Phu Trần Khắc Thành: “Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt. Phước Hải xuân về cọp thưởng mai”. Những người lớn tuổi, cho biết khoảng trước năm 1954, khu vực phường Phước Hải (TP Nha Trang) có một rừng mai khá lớn. Mỗi khi xuân về, mai nở vàng rực cả một vùng. Nhiều người lên rừng lấy mai về chơi đã trông thấy cọp lững thững ở khu vực này. Tuy nhiên, cọp dường như chỉ “thưởng thức” vẻ đẹp của mùa xuân, chứ không hề tấn công người.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tân, một người đi địu (tìm trầm) ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) lại lý giải sở dĩ khu vực Khánh Hòa thời trước cọp nhiều vì cọp “nghiện” mùi trầm hương. Mỗi lần đi tìm trầm người đi địu phát hiện dấu chân cọp thì khu vực xung quanh sẽ có trầm, nhất là quanh khu vực hang cọp ở sẽ có trầm hương. “Trầm hương thường phát sinh từ khu vực có nhiều gió, nên thường ở các khu vực hẻm núi, khe nước rất khó di chuyển. Mùi trầm khiến cọp rất thích sống gần. Cũng có thể mùi trầm sẽ át được mùi của “Chúa sơn lâm” nên việc săn mồi dễ dàng hơn”– ông Tân nhận định.
Tục thờ ông Hổ
Tại Khánh Hòa, rất nhiều ngôi miếu, đền thờ ở các làng xưa đều có một miếu ông cọp bên cạnh. Tục thờ ông cọp ở Khánh Hòa tồn tại hàng trăm năm nay song hành cùng với việc lập làng. Tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang) có đến 2 ngôi miếu thờ ông Cọp. Lớn nhất là miếu ông Cọp, cạnh miếu Cậu. Theo người dân địa phương, miếu ông Cọp có từ lâu, thờ 5 ông cọp. Sau khi làm đường lên đèo Cù Hin, miếu ông Cọp được phục dựng lại và được dân làng chấp nhận.
Người dân Khánh Hòa thờ ông Cọp, cầu khấn mong cho sức khỏe, tinh tường, tâm trí bình an
Theo ông Nguyễn Tuyến, người chăm sóc miếu Cậu, miếu ông Cọp, cho biết tích về việc thờ ông Cọp rất nhiều. Có người kể ngày trước kể rằng xưa kia khu vực này là vùng đất hoang vu có rất nhiều cọp sinh sống. Thời đấy có một người Chăm đến đây khai hoang lập làng, dạy cho người dân đánh bắt, canh tác nên người dân tưởng nhớ lập miếu “Cậu” để thờ. Trong thời gian này, nhiều đàn cọp thường xuyên xuống làng kiếm ăn. Sau khi người dân về đây sinh sống, lập miếu “Cậu” thì cọp “nhường” lãnh thổ đi hết nên người dân cám ơn bằng cách dựng thêm miếu ông Cọp.
Miếu ông Cọp ở xã Phước Đồng thờ 5 ông cọp
Bà Nguyễn Thị Tâm, ngụ TP Nha Trang, cho biết người dân trước khi đi biển, đi xa hay làm ăn thì đều ghé vào miếu ông cọp ở Phước Đồng để cầu khấn, mong sự thành công. Cầu mong cho mọi việc được khỏe mạnh, ý chí vững vàng như cọp. Lễ vật cúng ông cọp đều phải là đồ sống, như túi muối, gạo sống, 5 quả trứng sống, khoai sắn sống…
Tương tự, Miếu Cây Ké ở khóm Phú Lộc Tây, thuộc thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa), thờ Bà Thiên Y A Na nhưng bên cạnh góc trái có một ngôi miếu nhỏ tên là Miếu Ông Hổ thờ Sơn Lâm Chúa Tướng. Quan ngũ hổ được thờ ở hạ ban, trong quan niệm dân gian hổ là vị chúa cai quản rừng núi, hình tượng hổ biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, diệt trừ tà ma, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa ở các ngôi đền, đem lại sự cân bằng cho ngũ phương trời đất.
Ngũ Hổ Thần Quan bao gồm năm vị với năm màu sắc khác nhau, tượng trưng cho ngũ hành: Hoàng Hổ (màu vàng, là hành thổ ở vị trí chính giữa ứng với trung ương chính điện, Thanh Hổ (màu xanh – hành mộc – ứng với phương Đông), Bạch Hổ (màu trắng – hành kim, ứng với phương Tây,) Xích Hổ (màu đỏ – hành hỏa, ứng với phương Nam, Hắc Hổ (màu xám đen – hành thủy, ứng với phương Bắc). Nhiều miếu ở Khánh Hòa thờ Xích Hổ tượng trưng cho phương Nam.
Người dân Khánh Hòa thường thờ Xích Hổ (màu đỏ – hành hỏa) ứng với phương Nam làm trung tâm.
Ly kỳ hơn về tích ông cọp, người dân xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) truyền miệng câu chuyện về một phụ nữ đỡ đẻ cho cọp gọi bà là bà Ba. Tương truyền, bà Ba bị một con cọp tha mất nên dân làng ai cũng tưởng chết. Tuy nhiên, sau đó bà Ba trở về làng kể lại chuyện cọp đực bắt, tha lên núi, đưa vào hang. Trong hang, bà thấy một cọp cái với cái bụng to, đang rên rỉ vì những cơn đau sinh khó. Sau khi đỡ đẻ cho cọp “mẹ tròn con vuông”, cọp đực mới “cõng” bà Ba về lại nhà. Sau khi bà Ba mất, thỉnh thoảng người nhà lên thăm mộ bà thì thấy nhiều dấu chân cọp quanh mộ.
Những người già cho rằng thật khó để nói câu chuyện người đàn bà đỡ đẻ cho cọp có thật nhưng ông bà xưa muốn gửi gắm sự từ bi sẽ làm cho muôn loài trở nên hiền hòa hơn.
https://nld.com.vn/thoi-su/ly-ky-tuc-tho-ong-cop-o-khanh-hoa-20220201140919732.htm
Người xem: 197