Ai đã từng xem bộ phim Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh sẽ không thể quên được hình ảnh cô bé Ngọc Hà với đôi mắt to tròn, hồn nhiên do NSND Lan Hương đóng lúc mới 10 tuổi. Để đến hôm nay, ở độ tuổi 60 nhưng khán giả vẫn xem chị là “em bé Hà Nội”…
Người nghệ sĩ đa tài đất Hà thành
Chúng tôi gặp NSND Lan Hương ở phố biển Nha Trang khi chị tham dự trại sáng tác kịch bản sân khấu. Ấn tượng đầu tiên về chị là hình ảnh một người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng. Thoáng chút bất ngờ với công việc hiện tại của chị, nhưng cũng rất nhanh chóng chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện đời, chuyện nghề của nữ nghệ sĩ tài sắc đất Hà thành. “Tôi đến với nghề diễn từ cơ duyên được đạo diễn Hải Ninh cho đóng phim Em bé Hà Nội lúc mới 10 tuổi. Vai diễn bé Ngọc Hà đã thực sự khắc sâu vào tâm khảm của nhiều thế hệ xem phim. Sự thành công của vai diễn chính là ở chỗ đã ra đời đúng với hoàn cảnh của Hà Nội lúc bấy giờ, thời mà gia đình nào cũng có mất mát và đau thương nên khi phim được công chiếu đã đi vào tâm trí của từng người và làm người xem nhớ mãi”, NSND Lan Hương chia sẻ.
Vai diễn đầu tiên đó là chất xúc tác cần thiết để NSND Lan Hương đi theo con đường nghệ thuật. Năm 1978, lúc mới 15 tuổi, chị đã trúng tuyển vào lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ. Học cùng lớp với chị có những nghệ sĩ nổi tiếng sau này như: Lê Khanh, Chí Trung, Minh Hằng, Anh Tú… Khi sân khấu kịch nói đang kỳ vàng son, NSND Lan Hương đã tỏa sáng và gặt hái những thành công qua một loạt vở như: Lời nói dối cuối cùng, Cuộc đời tôi, Mùa hạ cuối cùng, Tôi đi tìm tôi, Mùa hạ cay đắng, Vũ Như Tô, Rừng trúc, Bến bờ xa lắc, Giấc mơ hạnh phúc, Mắc – bét… Ngoài ra, chị cũng để lại dấu ấn diễn xuất ở một số bộ phim như: Mối tình đầu, Cái tát sau cánh gà, Trăng trên đất khách, Những người sống quanh tôi, Dòng sông hoa trắng, Trần Thủ Độ và gần đây là Sống chung với mẹ chồng, Ngược chiều nước mắt.
Từ 20 năm nay, NSND Lan Hương còn làm đạo diễn và đã dàn dựng các vở kịch: Con bệnh bí hiểm, Nhật nguyệt thực, Chuyện một ngã tư, Nguyễn Du với Kiều, Cô bé lọ lem, Tâm linh Việt, Trận chiến giữa rừng xanh. NSND Lan Hương cũng là một trong số ít nghệ sĩ gắn bó với kịch hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ cả ở vai trò diễn viên lẫn đạo diễn. Thời gian gần đây, chị thử sức ở lĩnh vực viết kịch bản sân khấu. Một số tác phẩm của chị đã nhận được sự đánh giá cao của đồng nghiệp trong nước. “Có dịp ngồi ngẫm lại, tôi thấy cuộc đời mình thật nhiều may mắn. Tôi bén duyên sớm với nghệ thuật và được sống, được làm công việc mình yêu thích, đam mê. Vậy nên, nghệ thuật thực sự đã cho tôi rất nhiều điều”, NSND Lan Hương tâm sự.
Vẫn canh cánh với nghề
Trong câu chuyện với chúng tôi, NSND Lan Hương cho biết, từ năm 2018, sau khi nghỉ chế độ ở Nhà hát Tuổi Trẻ, cuộc sống của chị khá thư thái. Chị tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, rồi túc tắc viết kịch bản sân khấu, tham gia đóng một số phim truyền hình. Đặc biệt, chị dành nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình, tìm hiểu về văn hóa truyền thống.
Chia sẻ đôi điều riêng tư như vậy nhưng khi được hỏi về hoạt động sân khấu và diễn viên hiện nay, NSND Lan Hương không giấu nỗi niềm của mình. Chị cho biết, sân khấu bây giờ đang rất chông chênh trên con đường đi tìm khán giả. Trong một thời gian dài, sân khấu không đủ sức lôi kéo khán giả bứt ra khỏi màn hình tivi và điện thoại. Khán giả ngày càng ít tìm đến các sân khấu để được cảm nhận trực tiếp sức sống, ánh mắt, hơi thở của nhân vật, của câu chuyện kịch đang diễn ra trên sân khấu. Điều này cũng do bản thân những người hoạt động nghệ thuật sân khấu chưa tìm ra phương pháp để giành lại thế cân bằng với các phương tiện truyền thông hiện đại. Trong khi sân khấu không còn sáng đèn như xưa thì phim truyền hình lại có sự tiến bộ đồng đều với nhiều câu chuyện hấp dẫn. Các nghệ sĩ, diễn viên trẻ bây giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động sự nghiệp. Họ được tham gia nhiều chương trình, nhiều phim truyền hình, gameshow. Thế giới phẳng nên người nghệ sĩ cũng dễ dàng nhìn ra bên ngoài để học hỏi, từ đó tạo nên sự nhạy bén của mỗi người. Nhưng các em lại mắc vào lối thể hiện, diễn xuất như một cỗ máy lập trình sẵn mà thiếu sự sâu thẳm, da diết đến tột cùng với nhân vật.
Giữa phố biển Nha Trang, có dịp gặp gỡ, chuyện trò cùng NSND Lan Hương, chúng tôi như được trở về với những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Ngày đó, cứ mỗi tối thứ Bảy lại hóng xem những vở kịch nói có NSND Lan Hương đóng, rồi sau này là đợi xem Văn nghệ Chủ nhật trên VTV3… Dù đã qua thời đỉnh cao, nhưng NSND Lan Hương vẫn toát lên cốt cách của một người nghệ sĩ lớn – điều không phải nghệ sĩ tên tuổi nào cũng có được.
Giang Đình
https://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202202/gap-em-be-ha-noi-o-pho-bien-nha-trang-8242514/
Người xem: 13