Nhiều di tích chờ trùng tu

Do gặp những khó khăn, vướng mắc, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị xuống cấp nhưng vẫn chưa được trùng tu. Chính quyền địa phương và người dân nơi có di tích đang băn khoăn trước hiện trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của những di tích đã được xếp hạng này.

Di tích nào cũng xuống cấp

Hiện nay, trên địa bàn TP. Cam Ranh có 3 di tích gồm: Đình Trà Long (phường Ba Ngòi), đình Mỹ Thanh (xã Cam Thịnh Đông) và trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi (phường Cam Linh) đã được địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát và xác định nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, không có khả năng chống chịu trước thời tiết. Các di tích này đã được đưa vào danh mục di tích cần được trùng tu trong năm 2021, nhưng đến nay việc triển khai các bước tiếp theo còn chậm nên hiện trạng xuống cấp của các di tích này ngày càng trầm trọng hơn.

 

Di tích cấp tỉnh đình Lư Cấm cần được trùng tu, tôn tạo.
Di tích cấp tỉnh đình Lư Cấm cần được trùng tu, tôn tạo.

Trên địa bàn TP. Nha Trang, các di tích cấp tỉnh như: Đình Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên), đình Võ Dõng, đình Đồng Nhơn (xã Vĩnh Trung), đình Trường Đông (phường Vĩnh Trường), miếu Thiên Hậu Nam Hải, đình Lư Cấm, đình Vĩnh Điềm (phường Ngọc Hiệp) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ ngay. UBND thành phố đã trình UBND tỉnh xin phê duyệt hồ sơ tu bổ các di tích trên. Thế nhưng đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể thủ tục thực hiện công tác tu bổ.

Tại huyện Cam Lâm, một số di tích có dấu hiệu xuống cấp như: đình Cửu Lợi, đình Lập Định (xã Cam Hòa), nhưng việc bố trí kinh phí để sửa chữa, trùng tu vẫn chưa được thực hiện. Điều này đã gây khó khăn cho việc đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản di tích, nhất là vào mùa mưa lũ. Còn ở thị xã Ninh Hòa, công tác bảo vệ, trùng tu di tích có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan chuyên môn của địa phương và sự tham gia hưởng ứng của nhân dân nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vẫn có một vài di tích xuống cấp, kinh phí cho việc tu bổ đã được xã hội hóa nhưng vẫn chưa thể thực hiện được việc trùng tu do vướng những quy định liên quan đến thủ tục đầu tư.

Cần sớm tháo gỡ

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 di tích cấp quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh, 56 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh. Đến nay, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích cấp quốc gia đã cơ bản hoàn thành. Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho việc tu bổ 114 lượt di tích với số tiền gần 56,6 tỷ đồng. Các căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng bia di tích và thường xuyên sửa chữa, tôn tạo. Giai đoạn 2022 – 2025, có 11 di tích cấp tỉnh và 4 di tích cấp quốc gia được thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo.

Mới đây, trong buổi làm việc với các thành viên của đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh về công tác quản lý nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa đã kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến hoạt động trùng tu, sửa chữa di tích xuống cấp sử dụng kinh phí xã hội hóa; hướng dẫn quy trình thủ tục tiến hành việc xây dựng hồ sơ kinh tế, kỹ thuật trong trùng tu di tích để phù hợp với quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, TP. Nha Trang đề nghị HĐND tỉnh quan tâm, hỗ trợ 100% vốn cấp tỉnh đối với việc tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh cho rằng, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích dù đã được quan tâm nhưng còn chậm triển khai, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế do nguồn kinh phí dành cho công tác tu bổ từ ngân sách còn hạn hẹp.

Ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết, do số lượng các di tích trên địa bàn tỉnh khá nhiều và được xây dựng từ lâu, có di tích đến hàng trăm năm tuổi nên đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu với quy mô lớn, nhưng kinh phí cho công tác này còn hạn chế. Ở nhiều nơi, do đời sống người dân còn khó khăn nên không có điều kiện tham gia quyên góp cho việc trùng tu”.

Tháo gỡ được những khó khăn về kinh phí, trình tự thủ tục đầu tư cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đang là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Qua đó góp phần giữ gìn những di tích đã được xếp hạng không rơi vào cảnh đổ nát, hoang tàn.

Giang Đình

https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202206/nhieu-di-tich-cho-trung-tu-8253819/

Người xem: 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *