Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Cả hệ thống chính trị, người dân đang căng mình phòng, chống dịch. Trong dịch bệnh, những người làm nghề tự do, người nghèo, cận nghèo là những người khó khăn nhất. Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, rất nhiều người bán vé số, hàng rong, xe ôm, xích lô… mất việc làm, không có thu nhập. Cuộc sống của họ vốn bấp bênh nay càng bấp bênh hơn, nhất là những người bám trụ ở đô thị không thể trông chờ vào con cá dưới ao, vườn rau sau nhà.
Dịch bệnh không chỉ thách thức năng lực ứng phó của quốc gia, địa phương mà còn buộc mỗi gia đình, cá nhân phải tự thích ứng với hoàn cảnh. Điều này có thể thấy rõ trong những ngày qua, khi đa số cư dân thành phố biển đã quen dần với việc đi chợ, siêu thị theo phiếu với tần suất 3 – 4 ngày/lần, đặt hàng lương thực, thực phẩm qua kênh online. Thế nhưng, với những người lao động tự do, người nghèo (tạm gọi là nhóm người yếu thế), làm ngày nào tiêu ngày đó, họ không có tiền để mua đồ ăn tích trữ vài ngày, chưa biết ứng dụng đặt hàng online thì việc thích ứng là rất khó. Cách đây vài ngày, tôi gặp anh Đ.V.S (người Bình Định, tạm trú ở phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) đi bán kính chắn giọt bắn phòng, chống dịch Covid-19. Anh S. cho biết cả 2 vợ chồng làm nghề bán vé số và đã thất nghiệp gần 1 tháng nay. Biết ra đường là vi phạm lệnh giãn cách xã hội nhưng vì khó khăn quá nên đành… liều!
Trong cuốn sách Metropolis: Lịch sử thành phố, phát minh lớn nhất của nhân loại (Metropolis: A History of the City, Humankind’s Greatest Invention), nhà nghiên cứu Ben Wilson có viết, khả năng thích ứng là tài sản lớn nhất của các đô thị, nhưng chúng chỉ có thể phát huy khi những mắt xích yếu nhất là nhóm người yếu thế (lao động tự do, người nghèo) được bảo vệ và hỗ trợ đúng mức. Trước những khó khăn vì dịch bệnh, Chính phủ và UBND tỉnh đã có nhiều chính sách để hỗ trợ những người yếu thế. Mới nhất, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với mức 1,5 triệu đồng/người (đối với trường hợp tạm dừng hoạt động hoặc bị mất việc từ 30 ngày trở xuống) hoặc mức 50.000 đồng/ngày (đối với trường hợp tạm dừng hoạt động hoặc bị mất việc làm trên 30 ngày). Đó là một chính sách rất nhân văn nhưng không có chính sách nào có thể bao phủ hết những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt ở khu vực đô thị – nơi có rất nhiều người tạm trú nhưng không đăng ký hợp lệ. Thấu hiểu điều này, trong buổi làm việc mới đây với TP. Nha Trang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đã yêu cầu TP. Nha Trang và các xã, phường phải rà soát kỹ lưỡng các đối tượng lao động tự do trên địa bàn để thành phố phê duyệt, sớm hỗ trợ. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các tổ Covid cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nắm chắc tình hình đời sống của người dân để chính quyền địa phương có sự hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.
Trong công tác phòng, chống dịch, việc đảm bảo đời sống cho người dân là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm… Chính vì vậy, trong các chỉ đạo phòng, chống dịch thời gian qua, đồng chí Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy luôn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, đặc biệt là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang phải quan tâm đến những người nghèo, người khó khăn, không để người dân bị thiếu đói trong những ngày chống dịch. Các địa phương cũng phải có phương án để cung cấp lương thực và thực phẩm, hàng cứu trợ cho người dân trong các khu bị phong tỏa thông qua đầu mối là UBMTTQ Việt Nam của các xã, phường.
Hy vọng với những chính sách đang triển khai, những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, với tinh thần tương thân tương ái… sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau.
THÀNH NGUYỄN
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202107/bao-ve-nguoi-yeu-the-8223722/
Người xem: 0