Nhiều doanh nghiệp ‘3 tại chỗ’ ở Bình Dương ngưng hoạt động vì ca F0

KÊNH 79 – Mặc dù rất muốn thực hiện ‘mục tiêu kép’ nhưng khi triển khai ‘3 tại chỗ’, nhiều doanh nghiệp buộc phải ngưng hoạt động do xuất hiện ca mắc COVID-19 trong nhà máy.

Công nhân sản xuất tại một nhà máy ở Bình Dương – Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 30-7, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết qua thống kê sơ bộ từ các cấp công đoàn, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 600 doanh nghiệp với hàng chục ngàn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều ca COVID-19 trong nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” khiến việc sản xuất phải ngưng lại.

Ví dụ tại Công ty TNHH nội thất New Fortune (KCN Nam Tân Uyên mở rộng) thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã phát hiện 37 ca dương tính. Tại Công ty TNHH Timberland (P.Khánh Bình, thị xã Tân Uyên) có hơn 1.300 người ở lại công ty sản xuất “3 tại chỗ” nhưng tới ngày 27-7 đã phát hiện 233 ca dương tính…

Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” cho biết họ chịu rất nhiều áp lực vì dù đã test nhanh đầu vào khi bắt đầu thực hiện nhưng những lần kiểm tra sau đó vẫn có thể xuất hiện ca F0.

Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, qua khảo sát của hiệp hội, có tới hơn 1.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đảm bảo tiêu chí để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất còn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì nguồn cung ứng nguyên vật liệu đang bị gián đoạn.

“Kiến nghị cho nhân viên đại lý hải quan, nhân viên giao chứng từ xuất nhập khẩu làm hiện trường được phép đi lại khi có xác nhận của công ty, có xét nghiệm âm tính… để giúp tháo gỡ hàng hóa vật liệu tồn kho tại cảng, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng” – kiến nghị của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương nêu.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Lao động – thương binh và xã hội phối hợp với các địa phương lên danh sách người dân các tỉnh có nhu cầu trở về quê để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Một số huyện, thị xã tại Bình Dương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nếu quyết định ngưng hoạt động thì phải tổ chức xét nghiệm cho người lao động. Đồng thời có văn bản xác nhận có kết quả âm tính để hỗ trợ người lao động có cơ sở trở về nhà trọ.

Tới sáng 30-7, Bình Dương ghi nhận thêm 1.284 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc kể từ đợt dịch thứ tư là 11.968 ca. Như vậy, trong vòng một tuần, Bình Dương liên tiếp có nhiều ngày ghi nhận số ca mắc mới tới bốn con số, hiện là địa phương thứ hai cả nước (chỉ sau TP.HCM) có nhiều ca mắc nhất.

Một trong các lý do khiến số ca mắc ghi nhận mới tại Bình Dương nhiều là do tỉnh đang tích cực lấy mẫu xét nghiệm toàn dân (khoảng 1 triệu người đã được lấy mẫu) để tích cực phát hiện ca mắc trong cộng đồng.

https://tuoitre.vn/nhieu-doanh-nghiep-3-tai-cho-o-binh-duong-ngung-hoat-dong-vi-ca-f0-2021073009050939.htm

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *