Trong các khu phố ở Đà Nẵng, người dân nghiêm túc chấp hành ở yên trong nhà không ai ra đường để hạn chế lây nhiễm – Ảnh: HỮU KHÁ
Thực tế, nhiều địa phương đề ra biện pháp chống dịch “ai ở đâu ở yên đó” theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trên việc cách ly toàn xã hội chưa thực hiện triệt để (kể cả ở TP Đà Nẵng).
Trước nguy cơ dịch bùng phát ở mức cao, đêm 11-8 Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn để thảo luận các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, đây là biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất chưa từng có từ trước đến nay trong lịch sử chống dịch của TP này, với quyết tâm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã nói: “khi thực hiện triệt để cách ly “ai ở đâu ở yên đó” chắc chắn đời sống người dân sẽ gặp khó khăn, nhưng chúng tôi tha thiết kêu gọi mọi người hãy đồng lòng chung tay cùng thành phố vượt qua giai đoạn này. Chúng tôi cam kết sẽ cố gắng hết sức để cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân, không để một ai bị thiếu đói”.
Qua 6 ngày khi thành phố áp dụng biện pháp mạnh, đường phố chỉ còn bóng dáng của lực lượng thi hành công vụ và những người đang chạy đua để cung ứng hàng hóa đến tay người dân.
Trong các khu phố, con hẻm, người dân đóng cửa, chấp hành nghiêm túc, tuyệt đối không qua lại tiếp xúc với nhau. Công an khu vực, cán bộ tổ dân phố thường xuyên “dạo quanh” để nhắc nhở, cảnh báo người dân, ai vi phạm lập tức bị xử phạt.
Các phường, khu phố đã lập ra các tổ phản ứng nhanh giúp dân xử lý các sự cố về điện, nước, vận chuyển bình gas, mua thuốc chữa bệnh…
Thành viên của các tổ phản ứng nhanh gồm: cảnh sát khu vực, công chức phụ trách khu dân cư, dân quân, bảo vệ dân phố, dân phòng, thành viên các tổ phòng chống COVID-19 ở khu dân cư. Các tổ phản ứng nhanh phân chia thành viên túc trực tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… ở các khu vực dân cư để sẵn sàng tiếp nhận thông tin và huy động lực lượng giúp người dân xử lý nhanh các tình huống xảy ra.
Đảm bảo nhu yếu phẩm cho dân
Vấn đề quan tâm lớn nhất khi áp dụng “ai ở đâu ở yên đó” là câu chuyện lương thực thực phẩm, nhất là với người nghèo khó.
Để có nguồn lực, chính quyền TP đã kêu gọi xã hội hóa và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng. 30.000 suất quà gồm đầy đủ lương thực, thực phẩm được trao đến 30.000 hộ dân thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn (như bán vé số, sinh viên, lao động mất việc làm không có thu nhập), quà được trao ngay trong ngày đầu ở yên.
Còn lại, TP thực hiện phân phối như sau: dân đăng ký mua qua tổ dân phố – tổ dân phố đăng ký qua siêu thị đã được TP điều phối – siêu thị sẽ chuyển hàng ngược lại cho tổ dân phố – tổ dân phố giao cho dân.
Theo đó, quy trình cung ứng hàng hóa từ ngoài vào TP: nhà cung ứng tổng – vận chuyển đến quận, huyện, phường, xã – từ phường, xã đến khu dân cư và từ khu dân cư đến người dân. Ngành công thương tìm nhà cung ứng có năng lực và có kho dự trữ bảo đảm, có hệ thống bán lẻ hoặc liên kết tốt với hệ thống bán lẻ để bảo đảm việc vận chuyển kịp thời đến các phường, xã.
TP đã làm việc kỹ càng với các đầu mối siêu thị, trung tâm thương mại đảm bảo nguồn hàng không đứt gãy. TP cũng sẽ tổ chức bán hàng bằng xe lưu động, đảm bảo trong 7 ngày tới có xe bán đến từng khu vực, bán hàng thông qua tổ phòng chống COVID-19.
https://tuoitre.vn/da-nang-lam-dung-o-dau-yen-do-20210821191839822.htm
Người xem: 1