KÊNH 79 – Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, rất nhiều đối tượng lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn không nằm trong danh sách được hỗ trợ. Do vậy, các địa phương kiến nghị tỉnh xem xét, sớm bổ sung đối tượng để họ có điều kiện vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Còn nhiều đối tượng không thuộc diện hỗ trợ
Gần 2 tháng qua, ông Trần Quốc Cảnh (tổ 1 Phước Thái, phường Phước Long, TP. Nha Trang) phải nghỉ công việc thợ xây do dịch Covid-19. Không có thu nhập, cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, 4 nhân khẩu chỉ loanh quanh trong căn nhà trọ rộng 15m2. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chủ nhà trọ giảm tiền 1 tháng thuê nhà cho vợ chồng ông; hàng xóm người cho bó rau, cân gạo đắp đổi qua ngày. Ông Cảnh cho biết: “Chúng tôi không nằm trong danh sách theo chính sách hỗ trợ lao động tự do. Rất mong tỉnh, thành phố xem xét để chúng tôi được hỗ trợ vượt qua khó khăn”.
Ông Trần Minh Thủy (chung cư A chợ Đầm, phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) làm phụ hồ cũng không nằm trong danh sách được hỗ trợ. Vì hoàn cảnh khó khăn nên vợ ông đã để lại 2 đứa con nhỏ, rồi bỏ nhà ra đi không lời từ biệt. Thương con, ông chăm chỉ đi phụ hồ kiếm tiền lo cho các con ăn học. Dịch Covid-19 bùng phát, ông phải nghỉ việc nên cuộc sống của 3 cha con gần 2 tháng nay nhờ vào sự hỗ trợ của phường. Ông Thủy tâm sự: “Nhiều lao động tự do làm nghề buôn bán, cắt tóc… được nhận hỗ trợ, trong khi tôi làm phụ hồ khá vất vả, mỗi ngày chỉ được 150.000 đồng, lo chạy ăn từng bữa lại không được nằm trong danh sách hỗ trợ. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần xem xét tạo điều kiện để tất cả những lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách”.
Bà Trần Thị Ánh Nguyệt (thôn Ngọc Hội 2, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) chia sẻ, vì nhiều lý do nên vợ chồng bà phải bán nhà, thuê nhà trọ để ở hơn 3 năm nay. Cuộc sống phụ thuộc vào đồng lương gần 4 triệu đồng từ nghề giúp việc gia đình của bà. Hơn 2 tháng nay, bà phải nghỉ việc do dịch. Thương tình, chủ nhà trọ miễn tiền thuê 1 tháng và cho thùng mì, ít rau để sống qua ngày. Do vậy, bà rất mong được nhận hỗ trợ để vượt qua khó khăn hiện nay…
Chờ UBND tỉnh xem xét, quyết định
Theo Quyết định số 2045 ngày 16-7-2021 của UBND tỉnh, những lao động tự do làm các nghề như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; cắt tóc, gội đầu, massage, bấm huyệt, giác hơi; xe ôm truyền thống; đánh bắt thủy, hải sản; đạp xích lô; bảo vệ; bán hàng trong các chợ do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý; tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch; bán lẻ vé số lưu động cư trú hợp pháp được nhận hỗ trợ. Do những lao động tự do làm các nghề khác chưa được quy định nên các địa phương không thể chi hỗ trợ.
Cán bộ phụ trách lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội xã Vĩnh Ngọc cho biết, xã đã tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ của những lao động tự do không nằm trong danh mục được nhận hỗ trợ. Đa số những người này làm nghề thợ hồ, thợ mộc, thợ sắt, phụ giúp việc ở quán ăn, quán nước, bảo mẫu… đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, vì quy định nên địa phương tiếp nhận hồ sơ mà không thể trình cho thành phố được. Địa phương kiến nghị tỉnh quan tâm, bổ sung thêm đối tượng được nhận hỗ trợ để tạo sự công bằng trong xã hội.
Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, sở liên tục nhận được kiến nghị của người dân và các địa phương về bổ sung, mở rộng thêm đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách. Sở đã tổng hợp, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và có 2 lần tham mưu đề xuất với UBND tỉnh. Sở đang chờ UBND tỉnh xem xét quyết định.
VĂN GIANG
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202108/thuc-hien-nghi-quyet-68-can-bo-sung-doi-tuong-nhan-ho-tro-8226296/
Người xem: 0