Bộ Công thương đang kiểm tra thông tin mì Hảo Hảo có chất cấm – Ảnh: FSAI
Cụ thể, ngay khi nắm được thông tin cảnh báo, Bộ Công thương đã đề nghị Acecook khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good được sản xuất.
Việc báo cáo kiểm tra để đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo quyết định thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền của Acecook Việt Nam.
Theo thông tin từ website của FSAI đăng tải vào ngày 20-8, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất ethylene oxide. Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU).
Trong danh sách thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24-9-2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10-11-2022) là của Công ty Acecook Việt Nam. Sản phẩm còn lại là mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30-11-2022) có xuất xứ từ Trung Quốc.
FSAI nêu dù việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm chất này không gây ra rủi ro cấp tính, nhưng việc tiêu thụ ethylene oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Do đó, cần giảm thiểu tiêu thụ ethylene oxide.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hôm nay 28-8, Cục An toàn thực phẩm sẽ có đề nghị Bộ Công thương làm rõ, bởi mặt hàng mì gói hiện do Bộ Công thương phụ trách.
Một chuyên gia về thực phẩm cho biết đã nắm thông tin về sự việc và đang tìm hiểu nguyên nhân. Chuyên gia này cho rằng rất có thể do nguyên liệu.
Bộ Công thương cho hay, theo quy định của Luật an toàn thực phẩm Việt Nam, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
https://tuoitre.vn/bo-cong-thuong-xac-minh-thong-tin-mi-hao-hao-chua-chat-cam-20210828090202914.htm
Người xem: 217