Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN
Hà Nội nhận thêm gần 1 triệu liều vắc xin, công bố tăng tốc tiêm chủng
Hà Nội đã được cấp trên 4,3 triệu liều vắc xin và mới sử dụng 69,24% trong số này (tiêm được xấp xỉ 3 triệu liều) và vừa được phân bổ thêm thêm gần 1 triệu liều vắc xin, nằm trong nhóm 10 địa phương “tiêm chậm”, theo thông tin trên Cổng thông tin Tiêm chủng COVID-19.
Theo kế hoạch vừa được ký ngày 3-9, Hà Nội sẽ sử dụng số vắc xin mới nhận tiêm cho các đối tượng thuộc 11 nhóm ưu tiên nhưng chưa được tiêm chủng, bao gồm người đến thời gian tiêm trả mũi 2, người làm trong chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu (công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh, người sinh sống tại vùng có dịch, người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, người lao động của các đơn vị có đóng góp cho phòng chống dịch…
Riêng số vắc xin Pfizer được phân bổ dịp này, Hà Nội sẽ sử dụng cho người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và đồng ý tiêm chủng.
Cùng ngày, CDC Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, đề nghị tăng tốc độ tiêm chủng, thực hiện tiêm ngay số vắc xin được phân bổ và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng tốc độ diện bao phủ vắc xin.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Chỉ cử người tiêm đủ mũi, đã khỏi COVID-19, đủ điều kiện sức khoẻ tham gia “tuyến đầu”
Ngày 3-9, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn an toàn cho Tổ COVID-19 cộng đồng và các nhóm tham gia chống dịch tại xã phường. Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn chỉ cử người đủ điều kiện sức khoẻ thể chất, tinh thần, không huy động người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
Hướng dẫn cũng đề nghị cử những người đã tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, được tập huấn kiến thức trước khi tham gia phòng chống dịch. Trong quá trình tham gia, phải chuẩn bị các đồ dùng cá nhân và tự theo dõi sức khoẻ hàng ngày.
Tiếp nối thành công của “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng chống bệnh”, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế TP và Hội Y học TP triển khai “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa” thông qua Cổng thông tin 1022, chính thức hoạt động từ 8 giờ sáng 3-9.
Kênh tư vấn có 9 lĩnh vực, chuyên khoa, người dân quan tâm gọi 1022 – nhấn phím 5 và tiếp tục nhấn theo các phím để chọn chuyên khoa cần tư vấn vào tất cả các ngày trong tuần, theo các khung giờ cố định: Buổi sáng từ 8h đến 10h; Buổi chiều từ 14h đến 16h; Buổi tối từ 19h đến 21h.
Đồng Nai nghiêm cấm thu tiền, nhận tiền bồi dưỡng của người đi tiêm vắc xin
Ngày 3-9, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế tổ chức tiêm phòng vắc xin COVID -19 đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Theo đó, giám đốc các đơn vị trực thuộc và các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân phải thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình tiêm phòng, nghiêm cấm việc thu tiền, nhận “bồi dưỡng” từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân đến tiêm chủng với bất kỳ hình thức nào. Nếu để xảy ra tiêu cực trong công tác tiêm vắc xin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và giám đốc Sở Y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị, bệnh viện chủ động bố trí, sắp xếp cho người đến tham gia tiêm phòng ở mỗi buổi tiêm phải phù hợp với điều kiện thực tế tại điểm tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực tiêm và đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Cùng ngày, Sở Y tế Đồng Nai cho hay trong số gần 26.500 ca dương tính đến nay đã có thêm 710 người xuất viện. Qua xét nghiệm sàng lọc cũng phát hiện thêm nhiều ca trong khu cách ly, phong tỏa, trong đó đáng chú ý có 108 ca là bệnh nhân ở Bệnh viện tâm thần Trung ương 2. Hiện Đồng Nai đang có gần 200 ca bệnh có diễn tiến nặng.
Sáng mai 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia sẽ chủ trì phiên họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch.
Đáng chú ý, phiên họp sẽ có các điểm cầu tại các UBND tỉnh thành và phòng họp trực tuyến tại các quận, huyện, xã, phường. Tại điểm cầu TP.HCM có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ.
Ông Fauci: phác đồ tiêm vắcxin COVID-19 ở Mỹ có thể thành 3 liều
Tại Mỹ, Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết kế hoạch tiêm liều vắc xin COVID-19 bổ sung của Chính phủ Mỹ trong tháng 9 nhiều khả năng sẽ chỉ dùng vắc xin của Pfizer/BioNTech.
Từ ngày 20-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch tiêm 100 triệu liều bổ sung. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 ngoài Pfizer/BioNTech – là Moderna và Johnson & Johnson – vẫn đang trong quá trình xin cấp phép liều bổ sung.
Trong khi đó, bác sĩ Anthony Fauci – chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ – cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu phác đồ tiêm chủng COVID-19 được khuyến nghị ở Mỹ trở thành 3 liều, thay vì 2 liều như hiện nay.
Theo kênh CNBC, một số chuyên gia kêu gọi giới chức chính phủ Mỹ không nên gọi là liều “bổ sung”. Lý do là rất có thể sau khi tiêm liều thứ ba, người Mỹ sẽ không cần phải tiêm nhắc sau đó nữa.
Tại châu Âu, ngày 3-9, Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI) của Chính phủ Anh khuyến nghị không tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ khỏe mạnh từ 12-15 tuổi. Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trong nhóm tuổi này tại Anh.
Theo Reuters, điều này đồng nghĩa là sẽ có thêm 200.000 trẻ có bệnh nền trong nhóm tuổi này đủ điều kiện tiêm chủng. Trước đó, khoảng 150.000 trẻ mắc các bệnh thần kinh nghiêm trọng, hội chứng Down, suy giảm miễn dịch hoặc sống cùng người lớn dễ bị tổn thương thuộc đối tượng tiêm chủng ở Anh.
Tại châu Á, ngày 3-9, một quan chức cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết họ đang gặp khó khăn khi tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 chững lại dù đã tiêm đủ liều cho 60% dân số. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng cần tiêm chủng cho hơn 80% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Reuters, quan chức này không nói rõ khó khăn là gì trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về biến thể Delta dễ lây lan. Song cảnh báo người chưa tiêm chủng ở Trung Quốc không nên trông chờ bản thân sẽ được bảo vệ bởi những người đã tiêm.
Tại Singapore, giới chức y tế cho biết chính phủ đã lên kế hoạch tiêm liều bổ sung cho nhóm dân số bị suy giảm miễn dịch và người trên 60 tuổi, bắt đầu từ tháng 9, để tăng hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Tính đến sáng ngày 4-9, thế giới đã ghi nhận hơn 220,5 triệu ca bệnh từ đầu dịch, trong đó có hơn 4,5 triệu ca tử vong do COVID-19 và trên 197 triệu ca đã bình phục.
Với hơn 40,6 triệu ca bệnh, Mỹ vẫn là nước có nhiều ca bệnh nhất. Kế tiếp là Ấn Độ (gần 33 triệu ca) và Brazil (hơn 20,8 triệu ca).
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có nhiều ca bệnh nhất (hơn 4,1 triệu ca), thứ nhì là Philippines (hơn 2 triệu ca) và Malaysia (trên 1,8 triệu ca).
ANH THƯ
https://tuoitre.vn/ban-tin-sang-4-9-chi-cu-nguoi-tiem-du-mui-khoi-covid-19-tham-gia-tuyen-dau-20210903233302878.htm
Người xem: 71