Đó là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cao nhất mà Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Khánh Hòa và các địa phương đang cùng với người dân chủ động triển khai, ứng phó với tình hình mưa lớn trong những ngày qua.
Sẵn sàng sơ tán dân
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, trong 24 giờ (từ 11 giờ ngày 10 đến 11 giờ ngày 11-11), trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại Sơn Tân (huyện Cam Lâm) là 180mm; Khánh Vĩnh 168,8mm; khu vực suối Tà Nĩa, đầu nguồn hồ Tà Rục (huyện Cam Lâm) là 158,8mm… Dự báo đợt mưa này sẽ tiếp tục kéo dài. Tổng lượng mưa từ ngày 11 đến 14-11 khu vực Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang dự báo phổ biến từ 80-120mm, có nơi cao hơn 180mm; khu vực Khánh Sơn, Khánh Vĩnh phổ biến từ 60-100mm, có nơi cao hơn 150mm; khu vực Cam Lâm, Cam Ranh phổ biến từ 50-80mm.
Theo ông Lê Xuân Thái – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, để ứng phó với mưa lũ, các địa phương đã tập trung rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở đất, triển khai các phương án về nhân lực, vật lực chủ động sơ tán dân khi cần thiết. Theo đó, các địa phương đã tập trung rà soát xác định 6 vị trí, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét trong trường hợp mưa lớn kéo dài với tổng số 1.362 hộ, 5.070 người dân bị ảnh hưởng. Cụ thể, khu vực đèo Cả thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh có 24 hộ, 100 người; khu vực xóm Dốc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm có 7 hộ, 30 người; 4 điểm tại TP. Nha Trang gồm: Thôn Thành Phát (xã Phước Đồng) 534 hộ/1.940 người, thôn Thành Đạt (xã Phước Đồng) 647 hộ/2.600 người, khu vực tổ 2 Trường Sơn và tổ 3 Trường Hải (phường Vĩnh Trường) 150 hộ/ 400 người. Các phương án, địa điểm sơ tán cũng như công tác bảo đảm nhu yếu phẩm và bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người dân tại khu vực sơ tán đã được chính quyền địa phương tính toán, lên kịch bản chi tiết.
Ngoài ra, tại các điểm xung yếu về ngập lụt, 110 điểm ngầm, cầu, tràn thường có nước chảy xiết khi mưa lớn, có khả năng gây nguy hiểm cho người dân qua lại, các địa phương căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng chốt chặn.
Bảo đảm an toàn hồ chứa
Tại thời điểm 6 giờ ngày 11-11, trong số 19 hồ chứa nước lớn trên toàn tỉnh, có 15 hồ đang xả điều tiết nước. Tuy nhiên, mức xả không đáng kể. Hồ Suối Dầu (huyện Cam Lâm) xả với mức 30,8m3/s, hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh) 26m3/s, các hồ khác đang xả hoặc qua tràn phổ biến dưới 10m3/s. 19 hồ này có khả năng chứa gần 250 triệu m3 nước. Đến nay, các hồ đã tích được gần 195 triệu m3, đạt 78% dung tích.
Đối với việc bảo đảm an toàn công trình, nhất là với các hồ chứa đang thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng, trước đợt mưa này, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra 8 hồ đang sửa chữa theo dự án WB8 (dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập) và một số hồ hư hỏng, cần khắc phục tạm. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, đơn vị quản lý hồ chứa đã triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, đồng thời tích trữ, điều tiết nước hợp lý phục vụ cho các mục tiêu của hồ chứa nước khi kết thúc mùa mưa năm nay.
Những ngày qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã liên tiếp ban hành các văn bản, công điện chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung ứng phó với tình hình mưa lớn, có khả năng gây ngập lụt và sạt lở đất. Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là người dân ở khu vực xung yếu; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
HỒNG ĐĂNG
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202111/bao-dam-an-toan-cho-nguoi-dan-trong-mua-lu-8234785/
Người xem: 0