Kira Lundell, 16 tuổi (phải), tiêm vắc xin COVID-19 ở bang Pennsylvania, Mỹ – Ảnh: REUTERS
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng trong số những người chưa tiêm chủng, khiến số ca nhập viện tăng đột biến trong những tuần gần đây. Số trẻ em nhập viện vì COVID-19 đã tăng lên 1.902 trường hợp, tính tới ngày 14-8 (giờ địa phương).
Trẻ em chiếm 2,4% số ca nhập viện do dịch COVID-19 trên toàn nước Mỹ. Trẻ em dưới 12 tuổi không đủ điều kiện tiêm vắc xin, khiến các em dễ bị lây bệnh vì biến thể Delta lây lan mạnh đang thống trị ở Mỹ.
“Vẫn chưa phải năm COVID-19 cuối cùng. Con cái chúng ta là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch” – Sally Goza, cựu chủ tịch Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, nói với Đài CNN ngày 14-8.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong độ tuổi 18-29, 30-39 và 40-49 cũng đạt mức cao kỷ lục trong tuần này.
Ca bệnh gia tăng đột biến tạo áp lực lên các nhà lãnh đạo địa phương về việc có nên cho trẻ em đeo khẩu trang khi nhập học thời gian sắp tới hay không.
Các học khu ở Florida, Texas và Arizona đã yêu cầu đeo khẩu trang trong trường học, bất chấp thống đốc bang cấm học khu áp đặt quy tắc như vậy. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis dọa cắt tài trợ của các quận bắt đeo khẩu trang.
Một phần năm số ca nhập viện do COVID-19 trên toàn nước Mỹ là ở Florida. Theo số liệu của Hãng tin Reuters, ngày 14-8, ca nhập viện ở Florida tăng lên 16.100 ca. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy hơn 90% số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Florida đã có người nằm.
Cũng trong ngày 14-8, chủ tịch Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEA) Becky Pringle nói các trường học nên áp dụng mọi chiến lược giảm thiểu lây nhiễm, từ tiêm vắc xin tới đeo khẩu trang, để học sinh trở lại trường an toàn trong năm học này.
Hiện tại Mỹ ghi nhận trung bình 129.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng và trung bình có 600 người chết mỗi ngày vì COVID-19.
Theo Hãng tin Reuters, tỉ lệ tử vong hiện nay cao gấp đôi cuối tháng 7 và tỉ lệ mắc mới tăng gấp đôi trong 2 tuần qua.
Ngày 13-8, chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Florida Mary Mayhew nói bệnh viện trong bang “đang nỗ lực tăng nhân viên và giường bệnh, bao gồm sử dụng phòng hội nghị và nhà ăn”.
Cùng ngày, Thống đốc bang Oregon Kate Brown nói đã cử 500 vệ binh quốc gia tới hỗ trợ bệnh viện quá tải.
Trẻ em không còn an toàn trước COVID-19
Các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có hiệu quả với biến thể Delta và ngăn các ca bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, trẻ dưới 12 tuổi ở Mỹ chưa được phép tiêm vắc xin. Do đó, theo báo New York Times, khi ngày càng nhiều người lớn được chủng ngừa, số ca COVID-19 ở trẻ em cũng ngày càng tăng lên.
Theo dữ liệu mới nhất của Viện Nhi khoa Mỹ, hơn 4,1 triệu trẻ em được chẩn đoán mắc COVID-19 kể từ đầu dịch, chiếm 14,3% tổng số ca bệnh tại Mỹ. Chỉ trong tuần từ 22 đến 29-7, Mỹ đã ghi nhận gần 72.000 ca bệnh ở trẻ em, chiếm 19% tổng số ca bệnh theo tuần ở nước này, tăng gấp đôi so với tuần trước đó.
Bệnh viện Nhi Johns Hopkins đã ghi nhận 181 trẻ mắc bệnh trong tháng 7, tăng so với chỉ 12 trẻ bệnh trong tháng 6. Hầu hết trong số này có triệu chứng trung bình, như sổ mũi, nghẹt mũi, ho và sốt nhưng cũng đủ làm các bậc phụ huynh lo lắng.
Mặc dù cúm có thể gây bệnh nặng ở trẻ em, thậm chí là tử vong nhưng theo tiến sĩ Natasha Burgert – phát ngôn viên quốc gia cho Viện Nhi khoa Mỹ, các tác động tiềm năng của COVID-19 “vượt xa những gì bệnh cúm gây ra”.
Theo bà Burgert, dù hiếm nhưng trẻ mắc COVID-19 có khả năng phát triển hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), bao gồm các chứng viêm nguy hiểm xung quanh tim và các cơ quan khác, thường là vài tuần sau khi mắc COVID-19.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết trung tâm đang tìm hiểu liệu biến thể Delta có làm trẻ bệnh nặng hơn hay không.
https://tuoitre.vn/benh-nhi-covid-19-o-my-tang-cao-ky-luc-chuyen-gia-canh-bao-rui-ro-suc-khoe-20210815110317551.htm
Người xem: 0