Theo bản tin lúc 15 giờ 30 ngày 18-9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 20-9, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Đặc biệt từ ngày 19 đến 20-9, do ảnh hưởng của vùng áp thấp di chuyển vào đất liền nên các khu vực trên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cục bộ tại khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại những vùng, đô thị trũng thấp.
Trong bản tin vào sáng cùng ngày, cơ quan chuyên môn nhận định từ ngày 19-9 đến ngày 21-9, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu dao động từ 2-5m, ở hạ lưu từ 1-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2, có sông trên báo động 2.
Trước đó, để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn trên biển và đất liền do vùng áp thấp đang hình thành trên biển Đông, ngày 17-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến thời tiết để chủ động thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về các tình thế thời tiết nguy hiểm để chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Khánh Hòa chủ động bố trí trực ban 24/24h, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ để kịp thời tham mưu triển khai các biện pháp ứng phó; chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, đặc biệt các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động thông tin, cảnh báo đến người dân khi có tình hình mưa lũ lớn xảy ra; chủ động bố trí lực lượng sẵn sàng triển khai sơ tán dân ra khỏi các khu vực xung yếu, nguy hiểm, trong đó cần kết hợp giữa việc sơ tán dân đảm bảo phòng tránh thiên tai với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, sơ tán dân khi có tình huống bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến địa bàn Khánh Hòa.
Các đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức trực ban 24/24h theo dõi diễn biến thời tiết, mưa lũ để vận hành, điều tiết hồ chứa nhằm đảm bảo tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vừa đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, hạn chế ngập lụt hạ du khi có mưa lũ lớn xảy ra, trong đó cần xây dựng phương án nhân sự, bộ phận trực ban 24/24h tại các đập, hồ chứa trong tình huống thiên tai và dịch bệnh Covid-19.
Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
H.Đ
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202109/canh-bao-mua-lon-lu-quet-tren-dia-ban-tinh-khanh-hoa-8229146/
Người xem: 0