Chàng họa sĩ đường phố vẽ tranh sơn dầu trắng đen ở phố biển Nha Trang

Tôi gặp Nguyễn Văn Lộc, người bán tranh sơn dầu trắng đen vẽ phong cảnh quê hương Khánh Hòa xưa và nay, ở góc đường Biệt Thự – Trần Phú, Nha Trang dịp trước Tết Nhâm Dần. Chàng họa sĩ đường phố này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Một chiếc mô tô, bên cạnh dựng ít tranh có giá bán khá “đường phố”, tôi thấy hay hay bèn tấp xe vào nói chuyện. Vài thông tin qua trao đổi như: tên Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1967, trước làm tour guide đưa khách nước ngoài đi chơi bằng xe máy, có nickname là Lucky, thông thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga. Hai năm dịch Covid, anh chuyển sang vẽ tranh bán kiếm rau, gạo qua ngày. Sống một mình, ăn chay trường, tu học và vẽ tranh. Câu chuyện chỉ nhiêu vậy nếu không có một buổi chiều Lộc nhắn mời tôi qua nhà xem anh vẽ.

Chàng họa sĩ đường phố vẽ tranh sơn dầu trắng đen ở phố biển Nha Trang - ảnh 1
Anh Nguyễn Văn Lộc với chiếc xe thồ của mình tại góc đường Biệt Thự – Trần Phú, Nha Trang

Đ.T.T.T

Tôi mang tặng anh cuốn sách Nha Trang mùa đẹp nhất của mình và không nghĩ câu chuyện giữa chúng tôi lại thú vị đến thế. Trong cuốn sách của tôi có 6 bưu thiếp về phong cảnh Nha Trang do chính tôi chụp. Khi xem ảnh, Lộc chọn ra một bức và nói sẽ làm mẫu vẽ. Tôi đề nghị anh vẽ “ngay và luôn”.

Câu chuyện trong buổi chiều giữa người vẽ và người ngồi xem trải dài theo thứ tự thời gian, tôi không ngờ mình được nghe kể về một cuộc đời với bao điều “tận cùng” đến vậy.

Khởi nghiệp từ tuổi thơ đi ăn xin

Là con thứ 18 trong một gia đình có 21 người con (tôi xin nhắc lại con số 21 nhiều lần với sự ngạc nhiên không hề nhẹ), cha đạp xích lô là lao động chính, mẹ ở nhà lo con cái. Cả cuộc đời chỉ được đi học (chính khóa) một năm duy nhất là lớp một. Bảy tuổi, nhà nghèo quá, ăn còn không có lấy đâu ra sách vở đi học, phải cầm cái ca đi xin ăn ở chợ Đầm. Tám tuổi được bà Vú bán đồ chay ở chợ Đầm thương, nhận vào gánh nước, dọn dẹp, rửa chén bát… Phụ việc vài năm, dành dụm được ít tiền, Lộc sắm chiếc xe đạp và thùng cà rem đi bán khắp nơi. Có khi đạp ra tận Ninh Hòa, Dục Mỹ. Mười tám tuổi, anh suy nghĩ, không lý đời mình gắn liền với chiếc xe đạp và thùng cà rem đến già hay sao, bèn trở về phụ với một người anh đang làm nghề vẽ pano, chân dung… có tiệm ở đường Ngô Gia Tự. Vừa phụ việc, học nghề vẽ, học bổ túc văn hóa vào ban đêm, đến một ngày “đủ lông đủ cánh” ra riêng “mở tiệm” ở lề đường Ngô Gia Tự, gần nhà thờ Bắc Thành. Sau đó chuyển xuống Sinh Trung, dốc chợ Đầm, cũng trên hè phố. Công nghệ kỹ thuật số ra đời, nghề vẽ tay pano, chân dung không còn ai đưa làm nữa, anh mua chiếc xe máy chuyển sang chạy xe thồ.

Bước ngoặt cuộc đời có lẽ từ “Một hôm đứng ở đường Biệt Thự nhìn sang bên kia đường thấy một “ông Tây” chăm chú nhìn mình từ lâu lắm, trong lòng thoáng chút e ngại. Rồi ổng băng qua đường nói với mình “xí xa xí xô” gì đó. Hoảng quá, mình nhờ lễ tân khách sạn phiên dịch giùm, hóa ra ổng kêu chở đi vài nơi. Lúc đó mình nghĩ, tại sao có người Việt Nam nói tiếng Anh lưu loát như cô lễ tân mà mình không nói được. Vậy là quyết tâm học Anh văn. Tuần 3 tối đến lớp, học phí 50 ngàn đồng một tháng. Vừa học vừa thực hành với khách du lịch, rồi giao tiếp được bình thường trong phạm vi nhu cầu công việc và chuyển sang làm tour guide. Từ tiếng Anh, học thêm tiếng Nga và tiếng Pháp. Tiếng Nga hơi khó nên phải mua một cuốn sách giao tiếp. Tiếng Pháp thì học từ khách người Pháp, vạn sự khởi đầu nan, dần dần nghe nói được. Đó là quãng thời gian làm nghề khá thú vị, được đi nhiều nơi, giao tiếp nhiều người đến từ nhiều nước trên thế giới. Khách hàng đa phần do những người khách đã đi rồi giới thiệu lại cho bạn bè họ khi đến Nha Trang”. Anh cho tôi xem một cuốn sổ tay, trong đó khách ghi chép lời cám ơn, cảm nghĩ khi đến Việt Nam, đi cùng anh, bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha…

Đến họa sĩ đường phố

Hai năm dịch Covid không còn khách du lịch, anh trở lại chạy xe thồ đắp đổi qua ngày: “Quãng thời gian đó khá buồn, vừa chuyện gia đình và không có tiền. Một người chị dâu thấy tội, lượm về những tấm Alu phế thải với lời động viên, vẽ thử xem sao. Bắt đầu từ đó trở lại nghề vẽ, yên ổn, đủ sống được một năm nay với nhu cầu không nhiều của người tu học, ăn chay trường”.

Tôi hỏi: “Nếu hết dịch, du lịch mở cửa, khách nước ngoài quay lại, anh có tiếp tục làm tour guide đưa khách đi như ngày xưa?”.

Họa sĩ đường phố trầm ngâm: “Loanh quanh trong tỉnh thì được chứ không đi xa Đà Lạt, Quy Nhơn, Sài Gòn… nữa. Có lẽ vẽ tranh bán đường phố là nghề cuối đời rồi. Có thời gian tu học, kinh kệ, lòng nhẹ nhàng hơn”.

Chàng họa sĩ đường phố vẽ tranh sơn dầu trắng đen ở phố biển Nha Trang - ảnh 2
Nguyễn Văn Lộc vẽ bức tranh sơn dầu đen trắng theo tấm ảnh chụp phong cảnh Nha Trang

Đ.T.T.T

Bức tranh Nguyễn Văn Lộc vẽ từ tấm hình chụp phong cảnh Nha Trang của tôi hoàn thành kết thúc câu chuyện buổi chiều. Anh tâm sự: “Sống một mình buồn lắm, nhiều lúc phải mang cơm qua nhà hàng xóm ăn cùng cho vui. Khi nào rảnh mời chị qua xem Lộc vẽ tranh, có người nói chuyện vừa làm vui lắm”.

Có dịp đến Nha Trang, bạn hãy ghé góc đường Biệt Thự – Trần Phú xem và mua tranh của họa sĩ đường phố Nguyễn Văn Lộc nhé. Giá khá mềm, tranh sơn dầu trắng đen khổ 50×40 ghi giá là 200 ngàn đồng/bức. Sở thích của Lộc chỉ là tranh trắng đen, đậm nét hồn quê, tình quê Nha Trang, Khánh Hòa xưa và nay.

https://thanhnien.vn/chang-hoa-si-duong-pho-ve-tranh-son-dau-trang-den-o-pho-bien-nha-trang-post1431315.html

Người xem: 141

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *