Chiếc Vespa chở cả mùa xuân

 

Chiếc Vespa của cha tôi – Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp

Tôi nghe kể là chiếc xe này được làm ra từ bên Ý vào năm 1968 và ba tôi mua lại từ một người quen. Thiết kế của xe khá lịch lãm với dạng khung kim loại liền khối, phần bụng bầu bĩnh như chú ong. Phần máy nằm về phía sau bên phải, còn bên trái là hộc chứa đồ với thể tích khá lớn.

Xe chở người rất êm mà chở đồ cũng khá ổn vì máy mạnh, sườn xe chắc chắn, chạy rất đầm. Số nằm bên tay trái với 4 tốc độ khác nhau, mỗi lần sang số phải bóp chặt côn, hạ tay ga, sau đó từ từ thả nhẹ côn rồi mới tăng tốc.

Nhìn thì đơn giản nhưng để chạy thuần thục xe Vespa tay côn là cả một nghệ thuật. Bởi người không quen chỉ dắt xe thôi đã thấy khó thì huống chi đến việc điều khiển chiếc xe, dựng chống đứng hay phải một mình loay hoay thay bánh xe giữa đường.

Đó là chưa kể những căn bệnh vặt mà người đi xe Vespa phải hiểu để có cách đối phó như đứt dây ambraya, tuột dây ga, bugi đóng chấu do xe chạy xăng pha nhớt…

Đặc biệt ở chỗ tuy cùng hãng, cùng đời nhưng mỗi xe Vespa lại có mỗi tiếng pô khác nhau. Nhờ vậy mà chị em tôi có thể nhận ra tiếng xe của ba mình dù cách xa hàng trăm mét.

Chiều nào tôi cũng đứng đợi trước cổng để chờ ba đi làm về, chở đi một vòng rồi mới chịu vô nhà tắm rửa, cơm nước. Để rồi với tôi, chiếc xe Vespa của ba không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn mang cả ký ức tuổi thơ với nhiều kỷ niệm.

Vào cuối thập niên 80, xe gắn máy chưa phổ biến nên mỗi khi có việc cấp bách, bà con trong xóm hay qua nhờ ba tôi chở giúp. Vậy là chiếc Vespa nhà tôi lại trở thành phương tiện hành thiện giúp những người xung quanh. Như chở giúp người bệnh đi cấp cứu giữa khuya hoặc chở những người già neo đơn đi đến chỗ này, chỗ nọ.

Nhiều lúc đi làm về thấy tiện đường, ba tôi còn cho mấy đứa nhỏ bán vé số, hàng rong trong xóm có giang về nhà cho đỡ mỏi chân. Nhưng lại cũng có không ít lời ra tiếng vào. Người thì nói ba tôi “ăn cơm nhà lo vác tù và hàng tổng”, người thì đoán là ba tôi phải có ý đồ gì đó nên mới đi giúp người khác không công như vậy.

Ba tôi nghe rồi chỉ cười trừ mà không hề giải thích. Vì tính ba tôi thấy người khác cần mà mình có phương tiện thì cứ làm thôi, chẳng cần nghĩ ngợi, suy tính thiệt hơn.

Nhớ những ngày giáp Tết, những vòng quay của bánh xe Vespa dường như cũng nhanh hơn, hối hả hơn để đảm đang nhiều chuyến đi xa gần của cả nhà tôi. Đi làm về là ba tôi lại chở má đi mua thứ này, sắm thứ nọ cho cả nhà có cái Tết đủ đầy với người ta.

Ngày 25 tháng chạp, ba với chú Út đi giẫy mả ông nội ở cách nhà chừng 20 cây số. Rồi khi nhà cửa đã dọn dẹp xong, ba lại ngược lên làng hoa để chọn mua những cặp hoa ưng ý mang về chưng Tết. Một mình ba tôi chở 3-4 cặp hoa là chuyện thường.

Nhìn từ xa, chiếc Vespa y như rừng hoa di động với vạn thọ, thược dược, hồng, cúc… nhìn rất vui.

Nhưng dù có bận bịu cách mấy thì ba tôi cũng thu xếp, dành riêng một buổi để chở bà nội đi chợ Tết theo đúng cái nghĩa “cưỡi ngựa xem hoa”. Vì nội tôi có tuổi không thể đi bộ vô chợ nên chỉ muốn ngồi trên xe rảo qua những con đường xung quanh chợ.

Rồi ba tôi lại chạy xuống con đường cặp mé sông, nơi có chợ hoa bán Tết mà dừng lại để nội mặc sức ngắm nghía. Ngày cuối cùng của năm cũ, ba má dậy thật sớm, chuẩn bị quà cáp, bánh trái chất lên xe để đi biếu Tết người quen, họ hàng.

Sáng mùng 1, cả nhà tôi cùng khởi hành đến nhà thờ tham dự thánh lễ minh niên để cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình mình cũng như tất cả mọi người trong năm mới.

Để xe Vespa luôn nổ máy giòn giã trong ngày đầu năm tựa như tiếng pháo mang lại may mắn thì trước đó ba tôi đã bỏ ra cả ngày trời để kiểm tra, bảo trì máy móc.

Mùng 2 Tết, chiếc Vespa lại đưa gia đình tôi về Sài Gòn chúc Tết ông bà ngoại cùng với đủ loại bánh mứt, cây trái của nội gửi biếu cho cả nhà.

Đến lúc chị em tôi đi học xa nhà, ba tôi cùng chiếc Vespa lại túc trực nơi cổng trường chờ chúng tôi hoàn tất buổi học cuối để cùng về nhà ăn Tết giữa nhiều ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên cảm giác ấm áp, bình yên khi được cùng ba rong ruổi trên con đường về quê giữa những cánh đồng rực rỡ sắc hoa xuân.

Nhưng nhớ nhất là cái Tết tôi thi đậu bằng lái xe gắn máy, được ba tin tưởng trao tay lái chiếc xe Vespa Sprint 150 như cột mốc của sự trưởng thành. Những năm sau đó, mỗi lần lịch nghỉ Tết kéo dài là hai cha con lại cùng chiếc Vespa lên đường với những chuyến ngao du đây đó.

Nhờ vậy mà tôi có dịp trải nghiệm mùa xuân ở những vùng miền khác nhau.

Là không khí se lạnh nơi phố núi cùng sắc hồng của mai anh đào.

Là cái nắng gió mặn mòi xứ biển với nhiều sắc màu trong lễ hội cầu ngư ra khơi đầu năm mới.

Là cái Tết ở vùng đất phương Nam với mai vàng rực rỡ cùng câu vọng cổ ngọt ngào, lưu luyến… Và qua những hành trình cùng chiếc Vespa quen thuộc ấy, tôi càng thêm yêu đất nước, quê hương mình.

Để rồi cứ mỗi lần năm hết Tết đến lòng tôi lại rộn rã với hành trình về quê cùng hình ảnh chiếc Vespa chở cả mùa xuân của những ngày xưa ấy.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

https://tuoitre.vn/chiec-vespa-cho-ca-mua-xuan-20211206082420814.htm

Người xem: 5

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *