Chiêu trò của luật sư “chui”

Hiện nay, xuất hiện một số người dù không có các chứng chỉ, điều kiện để hành nghề luật sư nhưng vẫn hành nghề như những luật sư chính hiệu. Họ tự xưng mình là luật sư hoặc lợi dụng các quy định pháp luật để khiến người khác hiểu nhầm mình là luật sư để từ đó tham gia hành nghề chui. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các tổ chức hành nghề luật sư chân chính.

Mạo danh luật sư

Mới đây, một Văn phòng luật sư đã có văn bản đến cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý một đối tượng mạo danh luật sư để hành nghề trái pháp luật. Trên trang Facebook của mình, đối tượng này đã quảng cáo mình là luật sư (Tư vấn) đang làm việc tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trên thực tế, đối tượng này đã nhận rất nhiều vụ việc đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân các cấp. Để tránh tình trạng đối tượng trên làm ảnh hưởng đến uy tín luật sư, Văn phòng luật sư trên  đã  kiến nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền xác định đúng như nội dung phản ánh của văn phòng luật sư kia thì người này có dấu hiệu vi phạm Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa luật sư hoặc mạo danh luật sư để hành nghề luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn luật sư, bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.

Chiêu trò của luật sư "chui"
Trường hợp mạo danh luật sư hành nghề luật sư trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiêu trò đánh lận con đen

Để gây hiểu nhầm cho người dân, những người này tự “nổ” mình là luật sư. Còn để đối phó với cơ quan chức năng, họ lách luật bằng cách ký hợp đồng ủy quyền, hợp đồng dịch vụ  với người dân để tham gia tố tụng. Ngoài ra, họ lợi dụng quy định của Luật Doanh nghiệp, cố tình đặt tên, để bảng tên… gây nhầm lẫn cho người dân để nhận thực hiện dịch vụ pháp lý trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân có nhu cầu dịch vụ  pháp lý.

Sở dĩ họ làm được điều này vì đã lợi dụng vào kẽ hở của Luật Doanh nghiệp. Theo quy định, các công ty thành lập theo Luật Doanh nghiệp không được kinh doanh dịch vụ pháp lý nhưng để “tung hỏa mù”, họ vẫn lấy tên biển hiệu của doanh nghiệp với các cụm từ “Dịch vụ pháp lý” như: “Nhận thực hiện dịch vụ pháp lý về Hôn nhân gia đình – Dân sự –  Hình sự – Lao động…” Điều này là vi phạm lĩnh vực kinh doanh đã đăng ký; vi phạm Luật  Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Luật sư.

 

Người có tư cách luật sư, được hành nghề luật sư khi có  đủ các điều kiện sau: (1) có Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp (2) đã gia nhập một Đoàn luật sư  và được Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư (3) phải đăng ký hành nghề tại một Tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân.

Sau khi được cấp Thẻ luật sư, luật sư  phải  đăng  ký hành nghề, nếu không sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 82 của Chính phủ; bị xử  lý kỷ  luật theo Quyết định số 203 của Hội đồng luật sư  toàn quốc. 

Thực tế, Nhà nước đã nhận ra kẽ hở này nên ngày 23-7-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 4750 để quy định rõ vấn đề trên. Cụ thể, đối với ngành, nghề kinh doanh có liên quan đến việc Tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng: Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề này (mã ngành 69101) thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư. Cơ quan đăng ký kinh doanh không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với mã ngành này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với ngành, nghề kinh doanh về tư vấn: Nếu ngành, nghề tư vấn có liên quan đến tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý thì doanh nghiệp phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư như quy định ở trường hợp trên. Còn trong trường hợp nội dung tư vấn không bao gồm tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý (ví dụ: tư vấn tài chính; tư vấn thuế; tư vấn đăng ký doanh nghiệp; tư vấn du học; dịch vụ xin visa, giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài…) thì Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp nào đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành, nghề như 2 trường hợp trên mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư thì phải có trách nhiệm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký lại tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65.

Như vậy, chỉ có luật sư đã đăng ký hành nghề theo Luật Luật sư mới là chủ thể được thực hiện dịch vụ pháp lý, hành nghề luật sư.

Đại Hưng
https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202111/chieu-tro-cua-luat-su-chui-8235269/

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *