Chống ngập cho Nha Trang là nhiệm vụ cấp bách

Sau loạt bài “Trị thủy” cho thành phố, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về các giải pháp chống ngập cho TP. Nha Trang trong thời gian tới.
 Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn đi kiểm tra các công trình thoát lũ trên địa bàn Nha Trang vào tháng 3.
Ông Nguyễn Khắc Toàn đi kiểm tra các công trình thoát lũ trên địa bàn Nha Trang vào tháng 3.
– Được biết, vừa qua, ông đã trực tiếp đi khảo sát thực tế các khu vực thường xuyên bị ngập nặng trên địa bàn thành phố. Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt đến cuộc sống người dân, du khách và quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố?
– Những năm qua, TP. Nha Trang đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Đặc biệt, ngành Du lịch phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc, khang trang, theo hướng hiện đại. TP. Nha Trang được đánh giá là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện và đáng tin cậy của du khách trong và ngoài nước, các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, TP. Nha Trang được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định Nha Trang là đô thị hạt nhân của tỉnh. Đây là những cơ sở chính trị quan trọng, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ra sức phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý trật tự đô thị, mỹ quan, đảm bảo dân sinh của thành phố  vẫn còn một số điểm nghẽn. Nhất là, trong vài năm trở lại đây, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số khu vực đã gây ra nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh dịch vụ và đời sống của nhân dân địa phương. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ gần nhất vào cuối năm 2021, một số xã như: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp đã bị cô lập hoàn toàn, có nơi ngập hơn 2m. Qua thống kê, ước tính có gần 8.300 hộ, với 35.000 người dân ở các xã này bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tình trạng ngập lụt đã khiến một số tuyến đường bị sạt lở, việc vận chuyển hàng hóa, hành khách bị ngưng trệ, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng, hình ảnh thành phố phần nào bị xấu đi trong mắt du khách; sinh hoạt, sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng.
– Trên cơ sở những chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy, thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để các cấp chính quyền thực hiện giải pháp chống ngập cho Nha Trang, nhất là việc thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các công trình chống ngập. Xin ông thông tin một số kết quả đạt được trong công tác này?
– Xác định được tầm quan trọng của công tác chống ngập lụt cho TP. Nha Trang, thời gian qua, tỉnh, thành phố đã triển khai các dự án nhằm khắc phục, xử lý tình trạng ngập lụt, cụ thể:
Năm 2017, Tiểu dự án vệ sinh môi trường TP. Nha Trang (thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải) chính thức được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 72 triệu USD. Đây là dự án được tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp nối Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang giai đoạn 1 (2007 – 2014). Dự án đặt ra mục tiêu là hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải thông qua cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nạo vét tuyến cống, kiểm soát thoát nước và giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra cho thành phố. Trong 4 hợp phần của dự án do Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh làm chủ đầu tư, hợp phần đầu tiên chính là chống ngập lụt, thoát nước, thu gom và xử lý nước thải. Hợp phần này thực hiện xây dựng, cải tạo các tuyến cống, xây dựng các cửa xả và bờ kè; cải tạo hoàn thiện hệ thống cống thoát nước hiện hữu; xây dựng mới, bổ sung hoặc thay thế các tuyến cống, mương thoát nước với kích thước và vị trí phù hợp; tập trung giải quyết thoát nước các khu vực thường xuyên bị ngập lụt ở khu vực trung tâm, khu vực phía bắc thành phố. Đến nay, dự án bước vào giai đoạn cuối, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2023. Cùng với đó, tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án Hệ thống thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô (giai đoạn 2) – Tuyến T1. Dự án này sẽ khớp nối với hệ thống thoát nước của Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải, sẽ giúp giảm bớt tình trạng ngập lụt ở khu vực phía bắc của TP. Nha Trang, từng bước hoàn thiện hạ tầng thoát nước và giao thông trong khu vực. Có thể khẳng định, khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc khắc phục tình trạng ngập lụt khu vực phía bắc của thành phố.
Năm 2018, nhận thấy tình trạng ngập lụt khu vực phía tây của thành phố ngày càng diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa, lũ, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế của thành phố, tỉnh đã quyết định đầu tư Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc – sông Quán Trường (giai đoạn 1) và Dự án hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đầu cầu sông Tắc. Đến nay, cả 2 dự án này đã hoàn thành và đưa vào khai thác, bước đầu hỗ trợ thoát lũ khu vực phía tây của thành phố. Ngoài ra, TP. Nha Trang cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương để thi công các công trình chống ngập trong các khu dân cư, giúp giảm thiểu tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.
Đặc biệt, sau tổn thất nặng nề do cơn bão Damrey (bão số 12) gây ra đối với tỉnh Khánh Hòa vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã khảo sát, đánh giá và xây dựng chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh Khánh Hòa trong công tác phòng, chống rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu từ nguồn tài trợ của Quỹ toàn cầu khắc phục và giảm nhẹ thiên tai. Tháng 4-2021, Dự án Phát triển tích hợp thích ứng – Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án và dự kiến triển khai từ năm 2022 – 2026. Một trong những mục tiêu chính của dự án là khôi phục các con sông khu vực tây Nha Trang, kết nối hệ thống kênh sông để giảm thiểu lũ; hoàn thiện hệ thống thoát nước và cải thiện vệ sinh môi trường trong khu vực của thành phố. Dự án này sau khi triển khai được kỳ vọng sẽ giúp TP. Nha Trang cơ bản giải quyết tình trạng ngập lụt thường xuyên như hiện nay.
– Thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sẽ có những định hướng gì để các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn vào cuộc khắc phục triệt để tình trạng ngập nặng trên địa bàn Nha Trang, thưa ông?
– Trước hết, cần xác định rõ để giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt cho TP. Nha Trang cần phải có những giải pháp đồng bộ, căn cơ; sự hỗ trợ của tỉnh và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, cùng sự đồng thuận, trách nhiệm và hợp tác của nhân dân thành phố.
Có thể thấy, tình trạng ngập lụt xảy ra trên địa bàn TP. Nha Trang trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan là tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây, thiên tai, mưa, bão, sạt lở đất diễn ra khá thường xuyên, khó dự đoán, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đối với các khu vực đồi núi trên địa bàn thành phố, tỉnh đã thống nhất chủ trương không xây dựng công trình ở những khu vực có nguy cơ sạt lở; đối với khu vực không có nguy cơ sạt lở, thống nhất không quy hoạch đất ở mà chỉ quy hoạch đất thương mại, dịch vụ đối với các dự án mới, theo hướng thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm mật độ xây dựng tối đa không quá 10% và phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Về chủ quan, một trong những nguyên nhân khiến TP. Nha Trang xảy ra tình trạng ngập lụt nặng đó là việc phân lô bán nền trái phép diễn ra phức tạp; chưa kiểm soát được việc cơi nới, lấn chiếm hai bên bờ sông, kênh mương để xây dựng các công trình trái phép làm thu hẹp lòng sông, dòng chảy, đặc biệt tại khu vực hạ lưu sông Tắc, làm tắc nghẽn dòng chảy gây ngập lụt; công tác quản lý quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa tốt, thiếu đồng bộ, hệ thống thoát nước, thoát lũ quá tải. Đối với các tồn tại nêu trên, tỉnh và thành phố đã xác định phải kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Chính quyền địa phương cơ sở tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. Đối với các dự án đô thị phía tây, yêu cầu các nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải hoàn thiện, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước trong khu vực.
Hiện nay, hệ thống thoát lũ khu vực phía tây thành phố chưa được đầu tư khớp nối đồng bộ, số lượng công trình thoát lũ chưa nhiều. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 đang trong giai đoạn hoàn thiện, tỉnh đã thống nhất bổ sung quy hoạch và giải pháp khơi thông dòng chảy các con sông gắn với quy hoạch kết nối các tuyến giao thông thủy nội địa nhằm phục vụ hiệu quả việc tiêu thoát lũ, phát triển du lịch sinh thái. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, khẩn trương đề xuất lập Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc – sông Quán Trường, đoạn sông Tắc từ đường Phong Châu đến cầu Bình Tân (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư) và các dự án thoát lũ chống ngập úng tại các xã phía tây thành phố (UBND TP. Nha Trang làm chủ đầu tư) để kết nối đồng bộ với Dự án phát triển tích hợp thích ứng – tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (IRDP). Đây là các công trình thoát lũ có tính chiến lược ưu tiên đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, đối với các dòng sông có công năng thoát lũ trên địa bàn thành phố sẽ triển khai thực hiện việc nạo vét, nắn dòng, mở rộng lòng sông để đảm bảo việc tiêu thoát lũ tốt.
Song song đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện xác lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du nhằm mục tiêu xác định các tình huống nguy hiểm, khẩn cấp khi thực hiện việc xả lũ và xảy ra sự cố công trình; xác định được tuyến lũ quét, phạm vi ngập lụt ứng với các tình huống xả lũ hoặc sự cố nêu trên. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả, triển khai khẩn cấp các giải pháp giảm thiểu thiệt hại ứng với từng kịch bản xảy ra sự cố.
– Xin cảm ơn ông!
MẠNH HÙNG (Thực hiện)
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202207/chong-ngap-cho-nha-trang-la-nhiem-vu-cap-bach-8258615/

Người xem: 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *