Covid 24h: Thí điểm điều trị F0 tại nhà, TP HCM tính giãn cách tiếp

KÊNH 79 – Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ thí điểm triển khai điều trị F0 tại nhà, trong khi đó TP HCM lên phương án giãn cách xã hội đến giữa tháng 9.

Bộ Y tế đã quyết định thay đổi chiến lược điều trị Covid-19 trong bối cảnh ca nhiễm tăng nhanh, hơn 251.000, gây áp lực lớn lên cơ sở điều trị. Toàn bộ bệnh viện trên cả nước sẽ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và thí điểm điều trị F0 tại nhà.

Trước kia có 3 tuyến điều trị, bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện trung ương, bệnh nhân trung bình điều trị ở tuyến tỉnh và bệnh nhân nhẹ ở tuyến huyện. Hiện nay, do số lượng bệnh nhân tăng nhanh và đông, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tất cả bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã bổ sung một số điểm, chính sách. Trong đó, các bệnh viện trên toàn quốc cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để đón bệnh nhân Covid-19. Tất cả bệnh nhân ở các tuyến khi xác định nhiễm nCoV đều được tiếp cận điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân…

Ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện khác phải tách đôi, thực hiện song song nhiệm vụ kép: vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân Covid-19.

Vòng xoay Lăng Cha Cả, Quận Tân Bình, ngày 12/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Sau một thời gian cho cách ly F1, F0 tại nhà, Bộ sẽ tiếp tục thí điểm, điều trị F0 tại nhà. Mô hình này sẽ được áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện. Trước mắt, Bộ sẽ thí điểm tại TP HCM và các tỉnh có chiều hướng ca bệnh gia tăng.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trên thực tế TP HCM đã thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà từ giữa tháng 7 đến nay. Mô hình này sẽ mở rộng thêm bệnh nhân có triệu chứng và triển khai ở nhiều tỉnh. Ngoài hướng dẫn theo dõi, Bộ lưu ý việc cách ly ca nhiễm với người trong nhà để không lây nhiễm chéo và quản lý, tư vấn qua các hình thức trực tuyến, công nghệ thông tin.

Ngày mai, chính quyền TP HCM công bố kế hoạch chống dịch trong một tháng tới, tinh thần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 cho tới giữa tháng 9. Nếu chủ trương được thông qua, đây là sẽ lần thứ bảy thành phố điều chỉnh cấp độ kiểm soát, siết chặt hoặc kéo dài giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, Chỉ thị 10 (của riêng TP HCM). Người dân sẽ trải qua tổng cộng 108 ngày thực hiện giãn cách, tính từ 31/5 đến 15/9.

Song thời điểm kéo dài giãn cách có thể được ấn định thêm một tháng nữa, để TPHCM cố gắng xoay chuyển tình hình, chứ không phải có thể giải quyết hết dịch. Từ nay đến cuối tháng, thành phố sẽ sàng lọc, đánh giá nguy cơ từng địa bàn theo vùng xanh (an toàn), vùng đỏ (có dịch) và đưa ra biện pháp phù hợp.

Các ca dương tính vẫn dao động ở mức 3.000 – 4.000 mỗi ngày. Bệnh nhân cần điều trị, ca tử vong còn nhiều, nhu cầu chữa trị quá tải so với năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế. Thành phố vẫn cần thêm thời gian để khống chế dịch, “xanh hóa” bản đồ.

“Chúng ta đã cố gắng nhiều tháng qua, nhưng thực tế vừa qua như thế”, Phó bí thư Phan Văn Mãi nói trong cuộc họp chiều 13/8.

Thẳng thắn nhìn nhận dịch sẽ còn kéo dài, ông Mãi cho rằng cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý “trường kỳ kháng chiến”. Xác định khó khăn kéo dài, chính quyền sẵn sàng cho gói an sinh xã hội thứ ba, kể cả thứ tư để chăm lo cho bà con.

Người dân tiêm vaccine Sinopharm tại một điểm tiêm thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM, ngày 13/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Cùng ngày, lãnh đạo thành phố cho biết toàn bộ 4,3 triệu liều vaccine được phân bổ đã dùng hết và sẽ sử dụng 1 triệu liều Vero Cell của Sinopharm để tiêm cho người dân. Một ngày trước, HCDC đã có văn bản cấp vaccine Vero Cell về các quận huyện trên địa bàn.

Ngoài khai thác nguồn này, chính quyền đẩy mạnh tiếp cận các nguồn khác để có thêm vaccine, đặc biệt là 5 triệu liều Moderna đang đàm phán. Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết nhu cầu vaccine trên thế giới đang rất lớn, đặc biệt là Moderna. Để đem về 2 triệu liều Moderna trong tháng 10 sẽ rất khó. Song thành phố sẽ nỗ lực “và xem đây là việc trọng tâm”.

Ông Đức khẳng định “cái đang có là cái tốt nhất”. Thành phố chỉ dùng vaccine với hai điều kiện đã được WHO cấp phép và Bộ Y tế thẩm định. Ông mong người dân sẵn sàng tiếp nhận, góp phần chống dịch.

Các quận huyện đang tăng tốc “phủ” vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Phú Nhuận, quận 11, huyện Cần Giờ sắp hoàn thành tiêm mũi một cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Để đẩy tốc độ, chính quyền Phú Nhuận kêu gọi cả đội ngũ y bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân tham gia hỗ trợ tiêm chủng.

TP HCM đặt mục tiêu đến cuối tháng này, 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm vaccine. Song để thực hiện được cần có thêm 5,5 triệu liều được cấp liên tục trong tháng 8. Tính từ tháng 3 đến nay, thành phố đã tiêm cho hơn 4,3 triệu người, trên 100.000 người đã tiêm đủ hai mũi.

Lực lượng y tế xét nghiệm cho người dân phường Lê Đại Hành, Hà Nội, ngày 13/8. Ảnh: Giang Huy

Hà Nội đã trải qua 20 ngày áp dụng Chỉ thị 16, lãnh đạo thành phố khẳng định “vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình”. Trong 24 giờ (18h ngày 12/8 – 18h ngày 13/8), Hà Nội ghi nhận 101 ca nhiễm và nghi nhiễm. Nhiều ca trong cộng đồng, không liên quan nhau, không tìm được nguồn lây khiến các chuyên gia nhận định “dịch tễ phức tạp”.

Thủ đô bước vào chiến dịch xét nghiệm diện rộng để sàng vớt F0 khỏi cộng đồng. Dự kiến thành phố xét nghiệm 1,3 triệu mẫu bằng phương pháp RT- PCR cho người dân “vùng đỏ” và 2 triệu test nhanh cho khu vực, nhóm người nguy cơ cao. Sau ba ngày xét nghiệm, tỷ lệ F0 ghi nhận 1/10.000 dân. Lãnh đạo thành phố cho rằng đây là tỷ lệ thấp, nằm trong dự báo.

Hồng Chiêu
https://vnexpress.net/covid-24h-thi-diem-dieu-tri-f0-tai-nha-tp-hcm-tinh-gian-cach-tiep-4340349.html

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *