Khi tình hình dịch bệnh phức tạp, những người công nhân trong nhà máy, công xưởng đã gác lại mọi chuyện riêng để bám trụ với dây chuyền sản xuất. Họ thực sự là lực lượng quan trọng đảm bảo sản xuất không gián đoạn, đảm bảo cho nền kinh tế vẫn ổn định trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của toàn xã hội…
Đi vào nề nếp
Hơn 1 tháng trôi qua, đến giờ phút này, các công ty lựa chọn phương án sản xuất “3 tại chỗ” dường như đã đi vào nề nếp. Những người lao động (NLĐ) sau mấy chục ngày ăn cùng, ở cùng và làm cùng đã trở nên thân quen, gần gũi nhau hơn. Nhưng để có được thói quen đó, ban đầu thực sự là một lựa chọn đầy khó khăn. Chị Nguyễn Hải Minh (công nhân phân xưởng may Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang) trải lòng: “Phụ nữ như tôi còn con nhỏ, còn gia đình nên khi quyết định ở lại công ty để sản xuất cũng nhiều đắn đo. Song, sau khi được lãnh đạo công ty động viên và tự bản thân mỗi công nhân cũng ý thức được trách nhiệm chung với công ty, với công việc nên tất cả đều đưa ra quyết định chấp nhận vì mục tiêu chung”.
Đêm đầu tiên ở lại phân xưởng, cái cựa mình của người bên cạnh cũng khiến cả nhóm tỉnh giấc. Giữa không gian nhà xưởng mênh mông, nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình khiến nhiều người trằn trọc. Ở lại công ty cả tháng trời, nghĩ đến mẹ già, con thơ… không ít người xao lòng. Nhưng vượt lên tất cả, NLĐ đã xếp lại những niềm riêng, tập trung cho công việc. Anh Hồ Quang Dũng – công nhân Xưởng 1 Vận hành máy in (Công ty Cổ phần In bao bì Khatoco) tâm sự: “Ban đầu, anh em có chút lo lắng, nhưng rồi rất nhanh đều cuốn vào công việc, vào nếp sinh hoạt tập thể. Mỗi cá nhân ở phân xưởng đã tạo nên một gia đình lớn, cùng một mục tiêu. Sau giờ làm việc, anh em cùng nhau sinh hoạt chung tạo nên sự gắn kết chưa từng thấy trong công ty. Cũng vì thế, năng suất lao động đều được nâng cao”.
Để việc sản xuất “3 tại chỗ ” nhịp nhàng theo kế hoạch, ngay từ những ngày đầu, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện phương châm “3 cùng”. Trong đó, chủ doanh nghiệp, công đoàn, NLĐ cùng đoàn kết, cùng trách nhiệm, cùng thực hiện nhằm chung tay đảm bảo hoạt động sản xuất, vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Thái Vũ – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS) cho biết, khi ở lại công ty, NLĐ được bố trí ở tại ký túc xá hoặc có thể chọn ở lại tại văn phòng nhóm. Xác định từ đầu làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, Công đoàn đã động viên tinh thần NLĐ là phải “chiến đấu” lâu dài cho đến lúc trở lại trạng thái “bình thường mới”, phải cố gắng tạm gác việc gia đình, ở lại công ty làm việc với quyết tâm cao hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chăm lo cho người lao động
Trong hầu hết các doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, đời sống của NLĐ luôn được quan tâm hàng đầu. Tại HVS, công ty đã cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ ăn ở tại chỗ. Ký túc xá công ty được trang bị tiện nghi khá tốt như: tủ lạnh, tivi, máy giặt, wifi… đủ sức phục vụ 500 người. Ngoài 3 bữa ăn hàng ngày, trong đó có 3 lần ăn trưa đặc biệt trong 1 tuần (tăng 2 lần so với trước khi có dịch), công ty còn thường xuyên tăng cường thêm bánh, kem, cà phê… để bồi dưỡng cho NLĐ. Công ty đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin cho NLD; dự kiến đầu tháng 9 sẽ có một đợt tiêm vắc xin cho hơn 500 lao động đã đăng ký. Trong tháng 8, đã có hơn 800 lao động được tiêm mũi 1. Cùng với đó, Công đoàn cơ sở HSV tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Anh Nguyễn Bá Cửu, Phòng Vỏ chế tạo của HSV bày tỏ: “Sự quan tâm của công đoàn là sự động viên lớn giúp chúng tôi khắc phục khó khăn, có thêm động lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, vượt qua đại dịch này”.
Tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, để NLĐ yên tâm sản xuất, công ty đã tổ chức khu lưu trú, chuẩn bị vật dụng cá nhân thiết yếu… Nhà ăn công ty cũng phục vụ ăn uống tại chỗ 3 bữa, có trái cây tráng miệng… Ngoài tiền lương sản phẩm, đảm bảo đầy đủ các bữa cơm trong ngày, công ty còn hỗ trợ mỗi NLĐ trung bình 120.000 đồng/ngày.
Năng suất lao động đảm bảo
Trong số hàng trăm doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, hầu hết các doanh nghiệp đều đạt được mục tiêu đề ra. Tại Công ty TNHH Hải Nam (Cụm Công nghiệp Diên Phú), 230 công nhân vẫn đang tích cực sản xuất để đáp ứng các đơn hàng bao bì nhựa cao cấp trên toàn quốc. Tuy số lượng công nhân bị cắt giảm nhưng nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tác, công ty đã động viên công nhân nỗ lực làm việc. Hiện nay, năng lực sản xuất đã tăng 30% so với bình thường. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đông Á (Cụm Công nghiệp Đắc Lộc) cho biết, từ ngày 21-7, công ty đã thực hiện “3 tại chỗ”. Các phòng làm việc, nhà kho trong công ty được dọn sạch sẽ để bố trí làm nơi ở cho 250 công nhân. Vì vậy, đến nay, công ty vẫn duy trì được năng suất lao động, đáp ứng được nguồn hàng bao bì cho các đối tác.
Bà Vũ Thị Kim Anh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, qua hơn 1 tháng tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo công ty, sự nỗ lực của hơn 800 lao động đã tạo ra năng suất sản lượng gần bằng 60% trước dịch, đáp ứng kịp thời đơn hàng cho khách hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi áp dụng phương án sản xuất này. Ông Lê Quang Trung – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Á cho biết, khi tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, công ty tăng lương cho công nhân từ 5-7%, lo ăn 3 bữa và bồi dưỡng sữa, cà phê hàng ngày. Chính vì vậy chi phí tăng cao, sản xuất chỉ hòa vốn. Lãnh đạo Công ty TNHH Hải Nam cho rằng, khi thực hiện “3 tại chỗ”, ngoài việc động viên về tinh thần cho công nhân, công ty còn động viên về vật chất, tăng lương, tăng thưởng, tặng quà. Nhờ đó, công nhân về cơ bản vẫn yên tâm công tác, nhưng thời gian kéo dài quá lâu cũng khó khăn cho việc ổn định đời sống. Các đơn vị đều kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp mới để tổ chức sản xuất; đồng thời, mong được ưu tiên tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Việc thực hiện “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp là phương án tốt nhất để duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Với mục đích phát triển kinh tế song hành với việc phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh mong muốn các chủ doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện cho NLĐ tham gia sản xuất. Sắp tới, tỉnh có chủ trương đối với vùng xanh, NLĐ được đi làm bình thường, nhưng phải đảm bảo kiểm soát phòng dịch thật tốt, bản thân chủ doanh nghiệp phải tổ chức đưa đón “1 cung đường 2 điểm đến”. Về một số khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể, nhất là Liên đoàn Lao động tỉnh để tổ chức hỗ trợ thêm rau xanh, lương thực cho các bếp ăn tại các công ty. Tỉnh đang đề xuất với Tổng cục Thuế, Chính phủ có chính sách giảm tiền điện, tiền nước và các loại thuế, phí, góp phần cho các doanh nghiệp ổn định, tiếp tục phát triển trong thời gian sau dịch bệnh. |
Đình Lâm – Văn Kỳ
https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202109/cung-vuot-kho-voi-3-tai-cho-8227598/
Người xem: 0