Dạy và học trong tình hình dịch bệnh: Linh hoạt, sáng tạo

Năm học 2021 – 2022, ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã phải nỗ lực linh hoạt những phương án ứng phó với dịch Covid-19 trong trường học với sự chuyển đổi giữa các phương thức dạy học. Dù còn nhiều khó khăn song đó cũng là cơ hội lớn để chuyển đổi số trong giáo dục.

Nỗ lực dạy học

Trường THPT Lạc Long Quân (Khánh Vĩnh) bắt đầu năm học mới 2021 – 2022 vào ngày 13-9. Đến nay, nhà trường đã phải tạm nghỉ học 2 lần do có liên quan đến dịch Covid-19. Thầy Phạm Văn Tỉnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hơn 60% HS trong trường là đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ khoảng 30% HS có thiết bị phục vụ học online, do đó trường không thể tổ chức dạy, học online. Thay vào đó, khi HS đi học trở lại, nhà trường đã tổ chức thêm các buổi dạy bù kiến thức cho HS.

Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) đang duy trì việc dạy, học với hình thức 50% trực tiếp, 50% trực tuyến. Nhờ đó, nhà trường không phải tách lớp để đảm bảo sĩ số HS luôn dưới 30 em trong lớp, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Cô Phan Thị Thảo Uyên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến nay, lượng HS đến trường đã ổn định, tâm lý phụ huynh cũng yên tâm hơn. Các HS đều rất thích thú khi được học trực tiếp tại trường.

Ông Trần Nguyên Lập – Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết, toàn thành phố hiện có 41 trường mầm non công lập, 40 trường tiểu học, 26 trường THCS. Hiện nay, các trường đang nỗ lực để tổ chức dạy học dưới nhiều hình thức. Dần thích ứng với tình hình dịch Covid-19, các trường luôn sẵn sàng các phương án trong việc “vừa dạy học vừa chống dịch”, linh hoạt chuyển đổi giữa các hình thức dạy trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, ngành giáo dục thành phố kết nối liên tục với các cơ sở y tế để nắm bắt thông tin diễn biến dịch Covid-19, có kế hoạch kịp thời để duy trì việc dạy và học.

 

Lớp học tại Trường THCS A.Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm).
Lớp học tại Trường THCS A.Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm).

 

Thách thức cũng là cơ hội

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc chuyển đổi dạy, học từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến đã được thực hiện đồng bộ để kịp thời ứng phó, thích nghi. Đến nay, đây không còn là giải pháp tình thế mà là một trong những phương thức, giải pháp lâu dài để ngành giáo dục có thể thích nghi với dịch, vừa đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục.

Theo ông Lê Đình Thuần – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2021 – 2022, tỉnh chỉ tổ chức lễ khai giảng tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh, còn lại đều khai giảng với hình thức trực tuyến, đây là điều chưa từng có trước đây. Các cấp học bắt đầu năm học mới với việc học trực tuyến, dần dần chuyển đổi từ trực tuyến sang trực tiếp theo từng giai đoạn của mỗi cấp học. Đây cũng là lần đầu công tác giáo dục có khái niệm “học giãn cách”, sĩ số một lớp không quá 30 HS; tổ chức hình thức dạy vừa trực tiếp kết hợp online với các trường đáp ứng đủ điều kiện. Hình thức dạy này rất mới mẻ. Trong điều kiện như vậy, để đảm bảo chất lượng giáo dục, các nhà trường đã sử dụng các nền tảng hỗ trợ học trực tuyến như E-Learning, K12Online, Google Meet, Zoom… các cán bộ quản lý giáo dục có thể dự giờ bất kỳ lớp học trực tuyến nào trên toàn tỉnh. Qua đó, nắm bắt được giáo viên đang dạy ra sao, tương tác của HS như thế nào. Đây cũng là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ vào dạy, học và quản lý giáo dục.

Theo ông Thuần, những khó khăn trước mắt do dịch Covid-19 tác động đến ngành giáo dục có thể thấy được, nhưng đây cũng là cơ hội để công tác giáo dục có những bước chuyển mình lớn. Thời gian qua, các giáo viên được nâng cao trình độ tin học, sử dụng thành thạo các công cụ để soạn giáo án online, tiếp cận HS theo những phương thức mới. Công tác quản lý giáo dục cũng thực hiện sát sao hơn.

 

Ông Lê Đình Thuần – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Đến thời điểm này, có thể nói ngành giáo dục đã thích nghi tốt với việc dạy học trong tình hình mới. Các phương án tổ chức dạy, học do sở hướng dẫn đang được thực hiện tốt. Hiện nay, tại các địa phương vẫn còn nhiều trường, nhiều HS chưa có điều kiện để tổ chức dạy, học trực tuyến khi có tình huống phát sinh, sở đã triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em, qua đó vận động trong toàn ngành được hơn 2 tỷ đồng. Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện các bước mua sắm, từ đó hỗ trợ các HS khó khăn trong thời gian sớm nhất.

VĨNH THÀNH
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202111/day-va-hoc-trong-tinh-hinh-dich-benh-linh-hoat-sang-tao-8235469/

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *