Đi tàu Cát Linh – Hà Đông: Lấy vé cách nào, quẹt vé ra sao, lên tàu cần tuân thủ quy tắc gì?

 

Người dân Hà Nội lần đầu tiên được trải nghiệm phương tiện giao thông đường sắt nội đô hiện đại – Ảnh: PHẠM TUẤN

Sáng 6-11, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được bàn giao, đưa vào khai thác thương mại. Nhiều người dân thủ đô đã xếp hàng từ sớm để chờ được trải nghiệm tuyến đường sắt nội đô trên cao đầu tiên tại Hà Nội.

Có mặt tại ga Cát Linh (Đống Đa) từ lúc 6h sáng, chú Phạm Văn Hùng (Tây Hồ) không giấu được niềm vui khi là một trong những vị khách đầu tiên được ngồi lên tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, ngắm TP Hà Nội từ trên cao.

Chú Phạm Văn Hùng (Tây Hồ) mua vé miễn phí để lên tàu – Ảnh: PHẠM TUẤN

Ngoài mua vé tại quầy, người dân có thể mua vé tại các quầy bán vé tự động – Ảnh: PHẠM TUẤN

“Mấy ngày hôm nay, nghe tin tuyến đường sắt trên cao đi vào chạy thật, tôi vừa háo hức vừa thấp thỏm. Sáng nay tôi đến ga từ rất sớm, bây giờ được ngồi trên chuyến tàu này, tôi rất vui và xúc động. Sau thời gian dài chờ đợi thì cuối cùng người dân thủ đô cũng đã được chứng kiến đoàn tàu này đi vào hoạt động”, chú Hùng chia sẻ.

“Hôm nay mình cũng dậy từ sớm để đến đây đi thử. Sau khi đi thử thì mình thấy đây là một con tàu rất hiện đại, nhiều ưu điểm. Lúc đi tàu khá êm, đặc biệt là tiết kiệm thời gian, không bị ùn tắc như đi xe máy”, bạn Vũ Thanh Trà, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải, nói.

Quầy bán vé trong sáng 6-11 được bố trí 2 nhân viên để phát vé cho người dân – Ảnh: PHẠM TUẤN

Dự kiến, quá trình khai thác thương mại của tuyến tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (6 tháng đầu, trong đó có 15 ngày đầu chở khách miễn phí): thời gian mở tuyến của metro Cát Linh – Hà Đông từ 5h30, thời gian đóng tuyến 22h; vận hành từ 4 đến 6 đoàn tàu với giãn cách chạy tàu 10-15 phút/lượt.

Giai đoạn 2 (6 tháng tiếp theo): mở tuyến từ 5h30, đóng tuyến 22h30; vận hành 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/lượt, giờ bình thường 10 phút/ lượt.

Người dân quẹt vé tại cổng kiểm soát để lên sân ga – Ảnh: PHẠM TUẤN

Mỗi vé được mua sử dụng cho một lượt di chuyển – Ảnh: PHẠM TUẤN

Sau khi vào sân ga, người dân sẽ đi thang cuốn hoặc cầu thang bộ để lên đợi tàu – Ảnh: PHẠM TUẤN

Để đi tàu metro Cát Linh – Hà Đông, nhân viên tại các ga hướng dẫn khách mua vé tại quầy bán vé tự động. Hành khách dùng tiền mặt đưa vào khe nhận tiền và chọn ga đến, máy sẽ nhả vé bằng thẻ nhựa và tiền thừa (nếu có).

Do hệ thống máy bán vé tự động của dự án chưa tích hợp mua vé bằng thẻ ngân hàng nên ban đầu chỉ bán vé theo hình thức nhận tiền mặt.

Đoàn tàu vào ga cuối tại Hà Đông chuẩn bị khởi hành về hướng Cát Linh – Ảnh: PHẠM TUẤN

Người dân thủ đô bước lên tàu – Ảnh: PHẠM TUẤN

Người dân quay lại cảnh Hà Nội từ trên cao, khi ngồi trên đoàn tàu – Ảnh: PHẠM TUẤN

Ngoài mua vé tự động, hành khách có thể mua vé trực tiếp tại quầy bán vé tại nhà ga. Sau khi mua vé, khách dùng vé để quẹt, cổng soát vé tự động sẽ mở để khách lên ke ga đợi tàu. Tại ga xuống, khách đưa vé vào khe tại cửa thu vé để ra khỏi ga.

“Giá mở cửa 7.000 đồng, mỗi kilômet thêm 600 đồng. Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng khách đi tàu trả tiền theo kilômet, đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít. Giá vé trên đã có trợ giá của Nhà nước”, ông Vũ Hồng Trường – tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) – nói. Ngoài ra, còn có vé ngày, vé tháng, không giới hạn số lượt đi lại…

Để vận hành tuyến đường sắt hơn 13km, cần gần 700 cán bộ, nhân viên – Ảnh: PHẠM TUẤN

https://tuoitre.vn/di-tau-cat-linh-ha-dong-lay-ve-cach-nao-quet-ve-ra-sao-len-tau-can-tuan-thu-quy-tac-gi-20211106101747333.htm

Người xem: 4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *