Một người bán hàng chuẩn bị món Pad Thái tại một quầy bán đồ ăn ở trung tâm mua sắm Siam Paragon tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 1-9 – Ảnh: AFP
Dù kiểm soát dịch tốt trong năm ngoái nhưng vài tháng gần đây Đông Nam Á đã trở thành điểm nóng COVID-19 mới trên toàn cầu với sự hoành hành của biến thể Delta.
Sức ép kinh tế
Theo Hãng tin Reuters, Indonesia và Thái Lan – hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, từ đầu tháng 9 này bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế phòng dịch tại các nhà hàng, trung tâm mua sắm để giảm bớt những tác động tiêu cực với kinh tế.
Chính phủ hai nước đi đến quyết định này khi ghi nhận số ca nhiễm mới giảm đáng kể. Ngày 2-9, Thái Lan có thêm 14.956 ca bệnh trong 24 giờ, giảm 37% so với lúc đỉnh dịch hồi giữa tháng 8. Trong khi đó, ngày 1-9 Indonesia ghi nhận thêm 10.337 ca bệnh mới theo ngày, chỉ bằng 1/5 so với lúc đỉnh dịch hồi giữa tháng 7.
Theo đó, từ ngày 1-9, thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác từng nằm trong danh sách có các ổ dịch nghiêm trọng của Thái Lan có thể mở cửa phục vụ ăn uống tại nhà hàng với công suất phục vụ từ 50 – 75%. Các nhà hàng, trung tâm mua sắm tại đây được hoạt động đến 20h.
Theo báo Bangkok Post, chủ cửa hàng, nhân viên và khách hàng tại trung tâm mua sắm Seacon Square ở quận Prawet (Bangkok) có những cảm xúc trái ngược trước quyết định nới lỏng của chính phủ.
“Chúng ta phải chờ một thời gian mới đánh giá được điều này là tốt hay xấu. Tôi không nghĩ việc mở cửa sẽ kéo dài. Một ổ dịch mới có thể xuất hiện lần nữa khi họ cho phép đông người vào trung tâm mua sắm”, nhân viên một của hàng tại Seacon nói.
Ngược lại, bà Pranom Yomchan (62 tuổi) – chủ cửa hàng bán tất và khăn tay trong Seacon – lạc quan trước quyết định của chính phủ. Bà Yomchan tự tin việc mở cửa sẽ kéo dài vì cho rằng mọi người lúc này đều đã hiểu rõ hơn cách tự bảo vệ bản thân cũng như tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch của chính phủ.
Từ ngày 1-9, tại thủ đô Jakarta và một số khu vực đông dân trên đảo Java ở Indonesia, nhà hàng bên trong các trung tâm thương mại có thể mở cửa đón khách ở mức 50% công suất. Trung tâm thương mại có thể mở cửa đến 21h, trong khi các nhà máy được phép hoạt động như khi trước dịch.
Các chuyên gia nói gì?
Tuy nhiên, theo Reuters, giới chuyên gia y tế cho rằng việc nới lỏng các biện pháp chống dịch tại Indonesia và Thái Lan lúc này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. Cùng với đó là lượng mẫu xét nghiệm còn ít, trong khi tỉ lệ dương tính cao hơn nhiều so với mức đề xuất 5% của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cụ thể, tỉ lệ xét nghiệm dương tính ở Indonesia hiện vào khoảng 12% còn Thái Lan là 34%. Trong khi tỉ lệ tiêm một liều vắc xin ở cả hai nước này khoảng 30%, tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ ở Indonesia và Thái Lan lần lượt là 17% và 11%.
“Chúng tôi thật sự lo ngại về việc mở cửa lại khi chưa thỏa mãn tất cả các tiêu chí do WHO đề xuất”, ông Abhishek Rimal – điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế – nói.
“Giờ đây, với biến thể Delta dễ lây lan và tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến số ca bệnh tăng trong những ngày tới”, ông Rimal nói thêm.
Nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko Wahyono của ĐH Indonesia cũng cho rằng Indonesia cần phải thận trọng hơn khi mở cửa lại.
Trong khi đó, ông Dale Fisher – chuyên gia bệnh truyền nhiễm cấp cao tại Bệnh viện ĐH quốc gia Singapore – cho rằng việc nới lỏng phong tỏa để cứu nền kinh tế là điều có thể hiểu, song ông Fisher nhấn mạnh Indonesia và Thái Lan cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đại trà.
Ông Arya Fernandes – chuyên gia phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế – nhận định Chính phủ Indonesia đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi thấy rõ nhiều nước muốn vực dậy kinh tế thì đối mặt số ca bệnh tăng cao, trong khi nhiều nước ưu tiên mục tiêu y tế lại bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề.
“Do đó họ đang cố tìm một giải pháp đôi bên cùng có lợi, khi áp đặt các hạn chế nhưng vẫn giữ cho nền kinh tế mở cửa”, ông Fernandes nói.
Hiệp hội Y khoa Úc: Hệ thống y tế chưa sẵn sàng để mở cửa lại
Ngày 2-9, theo Đài ABC News, Hiệp hội Y khoa Úc (AMA) cảnh báo các bệnh viện ở Úc chưa sẵn sàng với kế hoạch mở cửa lại của chính phủ dù tỉ lệ tiêm chủng đã cao hơn. Trong lúc này, nhiều bang của Úc đang chuẩn bị chuyển từ chiến lược ngăn chặn sang sống chung với COVID-19.
Theo đó, AMA cho biết hệ thống y tế Úc có nguy cơ rơi vào một “chu kỳ khủng hoảng thường trực”. Đồng thời, AMA kêu gọi xây dựng một mô hình để kiểm nghiệm xem các nhân viên y tế có thể chịu được số ca dự kiến tăng mới khi nới lỏng phong tỏa ở mức nào.
Delta làm đảo lộn kế hoạch mở cửa lại ở nhiều nước
Với khả năng lây nhiễm nhanh hơn, biến thể Delta đã xuyên thủng mọi phòng tuyến chống dịch nghiêm ngặt nhất tại nhiều nơi.
Bảng xếp hạng mức độ vững vàng trước COVID-19 do Bloomberg tính toán và công bố (Bloomberg’s Covid Resilience Ranking) với 53 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày 26-8 cho thấy những thay đổi rất lớn.
New Zealand – quốc gia từng đứng số 1 trong bảng xếp hạng này khi nó công bố lần đầu tiên tháng 11-2020 thì nay tụt 26 bậc. Các quốc gia đi đầu về chiến dịch tiêm chủng cũng như lộ trình mở cửa lại như Mỹ và Israel trong mùa xuân và đầu mùa hè năm nay giờ đã tiếp tục “tụt hạng” khi số ca mắc mới tăng trở lại.
Trong tháng 8 vừa qua, các nước châu Âu được xếp vào nhóm kiên cường nhất với chiến lược dung hòa gồm tăng tốc tiêm chủng diện rộng và mở cửa lại kinh tế từng bước dựa trên cơ sở thực tế đã phủ được vắc xin.
Với chiến lược đó, có 9 trong 10 nước châu Âu trong tốp đầu (trong đó Na Uy đang dẫn đầu bảng xếp hạng ở tháng thứ hai liên tiếp).
Na Uy đã tiêm chủng đầy đủ cho 60% dân số, giữ được tỉ lệ tử vong ở mức rất thấp và đã mở cửa lại biên giới với du khách đã chích ngừa đủ. Cũng với tỉ lệ tử vong thấp, tốc độ phủ vắc xin nhanh đã đưa Hà Lan và Phần Lan lên vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng của Bloomberg.
Bảng xếp hạng mức độ vững vàng trước COVID-19 là đánh giá định kỳ hằng tháng của Bloomberg cho thấy dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát ở đâu hiệu quả nhất với ít những đảo lộn về kinh tế, xã hội nhất.
Việc xếp hạng được đánh giá trên cơ sở xem xét 12 chỉ báo dữ liệu, trong đó có chính sách ngăn chặn dịch bệnh, chất lượng chăm sóc y tế, độ phủ vắc xin, tỉ lệ tử vong tổng thể, những tiến triển trong nối lại giao thông và gỡ bỏ hạn chế biên giới. Theo đó, mặc dù vẫn còn những điều chưa lường hết về việc liệu biến thể Delta còn có thể gây chuyện gì nữa với những nơi đã có độ phủ vắc xin rất cao, song việc Hà Lan (tăng 12 bậc trong tháng 8) có thể đem lại một viễn cảnh tích cực: dù số ca bệnh tăng cao gần mức kỷ lục, song đợt dịch do biến thể Delta gây ra tại Hà Lan cũng đã dịu bớt với số ca tử vong ít đi và không gây những xáo trộn lớn trong các nỗ lực mở lại nền kinh tế.
ĐỖ DƯƠNG
https://tuoitre.vn/dich-con-cang-thang-vi-sao-thai-lan-indonesia-mo-cua-som-20210902211957846.htm
Người xem: 4