“5K + vắc xin” là thông điệp được Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian qua, coi đây là vũ khí tối thượng để đẩy lùi dịch bệnh. 5K thì ai cũng thực hiện được, còn vắc xin thì Chính phủ vẫn đang tìm mọi cách để tiếp cận với nguồn cung cấp, dù rất khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, chỉ có đẩy mạnh tiêm vắc xin, phủ kín vắc xin mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong dịch bệnh, chúng ta đã chứng kiến có quá nhiều thông tin giả, thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Xung quanh chuyện vắc xin cũng vậy. Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, thông tin thiếu căn cứ về hiệu quả của vắc-xin, công kích nguồn gốc một số loại vắc-xin, làm nhiều người có tâm lý so đo, kén chọn, từ chối tiêm vắc xin. Họ không biết rằng, làm như vậy là từ chối cơ hội cho chính mình. Tất cả các loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra, thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. Khoa học đã chứng minh vắc xin dù là loại nào, cũng vẫn là tấm lá chắn bảo vệ hiệu quả cho chính người đó. Không tin ở khoa học, chê bai, bài xích vắc xin loại này loại nọ chỉ bằng cảm tính thì có đem lại sức khỏe cho mình không, có giúp mình vượt qua cửa tử khi đối diện với dịch bệnh tàn khốc này không?
Có 2 câu chuyện trên mạng xã hội gần đây đáng suy ngẫm. Một là chuyện của nữ doanh nhân khá nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh trước đó luôn có nhiều bài viết thể hiện quan điểm cá nhân chống tiêm chủng, tẩy chay vắc xin. Cho đến khi bị nhiễm SARS-CoV-2 rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi nhưng được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, chị này đã thay đổi suy nghĩ: “Tôi xin lỗi và xin phép không tham gia vào các cuộc tranh luận về vắc xin vì cảm thấy kiến thức của mình còn hạn hẹp. Vả lại, thoát chết là may mắn nhất của cuộc đời này rồi… Và một lần nữa khẳng định rằng, tôi đã bỏ suy nghĩ ấy ra khỏi đầu mình rồi”. Rõ ràng, đây là một sự hối tiếc của một người may mắn thoát chết và nhận ra, nếu được tiêm vắc xin – dù là loại gì thì cũng sẽ tốt hơn cho bản thân mình…
Câu chuyện thứ hai là từ một đồng nghiệp, anh Châu Thái Bình – phóng viên thường trú VTV tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Những ai theo dõi facebook của anh sẽ nhận thấy cách chống dịch ở Trung Quốc cũng theo phương pháp thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng khoanh vùng và nỗ lực phủ kín tiêm vắc xin. Về vấn đề có nhiều người bài xích, từ chối tiêm vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, anh đã nhiều lần có bài viết trên mạng xã hội nói rõ chuyện này. Anh giải thích, trong cuộc chạy đua sản xuất vắc xin đặc hiệu cho biến thể Delta, Sinopharm lại đi trước các công ty khác ở Trung Quốc. Qua các dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 thì vắc xin chống biến thể này đạt hiệu quả bảo vệ toàn diện 72,51% nhưng có tác dụng ngăn bệnh tiến triển nặng và trung bình hiệu quả gần như 100%. Hơn 1 tỷ dân Trung Quốc được tiêm vắc xin sản xuất nội địa, họ không có nhiều loại vắc xin khác để lựa chọn và họ tin tưởng tuyệt đối vào chiến lược vắn xin của chính phủ. Và đến nay, Trung Quốc gần như đã trở lại nhịp sống bình thường, mỗi ngày chỉ có vài ca nhiễm, không đáng kể.
Những câu chuyện trên đáng để chúng ta suy nghĩ. Vắc xin loại nào cũng vậy, đều có sứ mệnh là giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vậy tại sao lại phải từ chối tiêm khi đến lượt, điều này có phải là bạn đang bỏ lỡ cơ hội, đang tự đặt mình và gia đình vào tình thế nguy hiểm? Hơn nữa, với những biến thể mới của vi rút như hiện nay, trong khi cứ chần chừ, kén chọn vắc xin thì có khi Covid-19 và sự “quá nhanh, quá nguy hiểm” của nó đã không cho người ta một sự lựa chọn nào khác ngoài việc nằm trên giường bệnh thở máy, chống chọi từng giờ giữa lằn ranh sinh tử!
Khi tôi viết những dòng này, một anh bạn chủ doanh nghiệp ở Nha Trang vui mừng thông báo đã nhận được lịch thông báo tiêm cho công ty, nêu rõ loại vắc xin được tiêm là Vero Cell của Shinopharm. Anh bảo, vắc xin giờ khan hiếm, dịch bệnh lại đang diễn biến khó lường, có loại nào thì tiêm loại nấy, càng sớm càng tốt. Đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đã từng nói, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Đặc biệt là phải ưu tiên cho những vùng có mật độ dân số đông, nguy cơ cao nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt. Vắc xin có thể không bảo vệ bạn 100% nhưng có lợi ích sau tiêm là cơ hội cứu sống bản thân và gia đình cao hơn rất nhiều. Có người cho rằng, đại dịch Covid-19 giống như một trận thiên tai, và vắc xin cũng giống như một bao gạo cứu đói. Chúng ta không trao gạo cho người có quan hệ rộng, người làm ra nhiều tiền hơn… mà là cho người đang đói, đang ở vùng bị thiên tai, đang không có khả năng né tránh thiên tai. Vậy tại sao lại từ chối, bỏ lỡ cơ hội này?
TUỆ VĂN
https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/202109/dung-bo-lo-co-hoi-8227342/
Người xem: 40