Đừng quên Paralympic!

 

Sau Olympic 2020, VĐV bóng bàn Partyka tiếp tục tham dự Paralympic Tokyo 2020 – Ảnh: Reuters

Đêm nay (24-8), lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 diễn ra tại sân vận động quốc gia Nhật Bản. Dù không thể so sánh với Olympic về độ hấp dẫn và tính thu hút truyền thông, Paralympic hứa hẹn mang đến những câu chuyện lan truyền cảm hứng, những khoảnh khắc giàu cảm xúc, những bài học trong cuộc sống…

Điểm nhấn của Paralympic Tokyo 2020 là WeThe15 – phong trào đấu tranh cho quyền lợi của những người khuyết tật toàn cầu. Con số 15 tượng trưng cho tỉ lệ 15% dân số toàn cầu gặp phải những khiếm khuyết cơ thể (tương đương với 1,2 tỉ người).

WeThe15 vừa được thành lập cách đây vài tháng bởi Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) và hàng chục tổ chức khác liên quan đến người khuyết tật. Mục tiêu chính của phong trào này là tạo thêm nhiều quyền bình đẳng cho người khuyết tật, những cơ hội nghề nghiệp trong mọi lĩnh vực.

Và buổi lễ khai mạc Paralympic Tokyo sẽ được xem là buổi phát động chính thức cho WeThe15. Nếu Olympic được xem là nơi vinh danh mọi hoạt động thể chất, sự nỗ lực không ngừng của con người trong việc cải thiện sức khỏe, tốc độ, hình thể thì Paralympic là nơi để những người khuyết tật chứng minh cho cả thế giới thấy năng lực của mình.

Nữ VĐV 29 tuổi Ellie Cole, một trong những kình ngư xuất sắc nhất lịch sử Paralympic, được chọn làm đại sứ của WeThe15. Vì một khối u quái ác, Ellie đã bị cắt cụt một nửa chân phải từ năm 3 tuổi. Hai tháng sau cuộc phẫu thuật đó, cô được mẹ đưa đi tập bơi và chỉ mất vỏn vẹn 2 tuần để thích nghi với hồ nước.

Từ đó, Ellie trở thành “rái cá một chân”. Cô sớm đi theo con đường chuyên nghiệp và giành đến 6 HCV Paralympic sau 3 lần tham dự. Ellie còn lấy bằng cử nhân ngành khoa học thể thao ở Đại học Công giáo Úc.

Ngoài Cole, Paralympic Tokyo còn có nhiều biểu tượng khác ấn tượng hơn nữa trong nỗ lực hòa nhập cộng đồng. Đó là những VĐV một thân chinh chiến ở cả Olympic lẫn Paralympic. Nhiều người có thể ngạc nhiên về sự thật trong làng VĐV khuyết tật có không ít người giành vé tham dự Olympic. Đó là nữ VĐV bóng bàn Natalya Partyka (dự 4 kỳ Olympic liên tiếp từ 2008 đến nay) và Melissa Tapper (dự Olympic 2016 và 2020)… Họ đều là những huyền thoại của Paralympic và xuất sắc đến mức đạt tiêu chuẩn tham dự Olympic.

“Paralympic là một sự kiện mang đến nhiều niềm vui cho người khuyết tật, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn nằm ở bước tiếp theo. Nhiều công ty nhận người khuyết tật vào làm việc chỉ để tỏ ra đa dạng trong khâu tuyển dụng (diversity hire). Đó là lý do khi họ tuyển một người khuyết tật vào làm việc thì họ sẽ không tuyển thêm ai khác nữa”, Ellie Cole chia sẻ.

Đó cũng là mục đích WeThe15 ra đời, để cho thấy những nỗ lực sống một cuộc sống bình đẳng của người khuyết tật. Nó cũng thể hiện tinh thần chính của WeThe15: “Người khuyết tật không cần sự thương hại, họ cần được tôn trọng”.

https://tuoitre.vn/dung-quen-paralympic-20210823193951229.htm

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *