Giữa đại ngàn Khánh Vĩnh, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những lớp học phổ cập THCS sáng đèn đón học sinh (HS). Vì cuộc sống khó khăn ban ngày lo kiếm sống, để hàng đêm mỗi em lại cố gắng tìm con chữ từ những lớp học phổ cập.
Ban ngày lo kiếm sống
Giữa đêm, chúng tôi theo chân cô Nguyễn Thị Kiều Mỹ Hoa (giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình, xã Khánh Bình) đến gia đình em Cao Thị Ngọc, 14 tuổi. Ngọc là con gái đầu trong gia đình người Raglai có 3 con ở xã Khánh Bình. Giữa năm nay, Ngọc phải bỏ ngang việc học để ở nhà trông em, phụ bố mẹ kiếm sống. Để có tiền phụ giúp gia đình, em làm thuê cho một quán cà phê trong xã. Việc làm chiếm gần hết thời gian ban ngày nên em không thể đến trường. Vận động, thuyết phục mãi, cô Hoa mới nhận được cái gật đầu của Ngọc và hứa sẽ tham gia học lớp 8 hệ phổ cập giáo dục THCS, tổ chức mỗi tối tại Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình. “Nhà tôi vất vả lắm, vợ chồng đi làm cả ngày, không ai trông con nên Ngọc tự quyết định nghỉ học ở nhà chăm em và đi làm. Nhờ cô Hoa đến nói, gia đình mới biết có lớp học ban đêm nên động viên con đi học” – ông Cao Văn Sỹ, bố Ngọc chia sẻ.
Ở độ tuổi 15, em Cao Thị Phượng (dân tộc Raglai, thôn Bến Khế, xã Khánh Bình) có vóc dáng nhỏ thó. Vậy nhưng, từ 2 năm nay em đã phải bươn chải làm việc để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. “Học xong lớp 7 (năm học 2018-2019) em bỏ học, làm phục vụ cho một quán bún bò ở Nha Trang. Sau đó, em quay về nhà đi làm mướn các công việc như: Lột vỏ cây keo, trồng mì, phát dọn cây cỏ dại, chặt mía… Ngày nào em cũng đi làm từ 6 giờ đến 16 giờ, để có thể đưa về cho bố mẹ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng”, Cao Thị Phượng cho biết. Đôi bàn tay nhỏ bé đầy vết sẹo đã nói lên sự vất vả mà cô bé này đang trải qua. Cuộc sống gia đình khó khăn khiến em không thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng trong lòng Phượng vẫn mong ước được đến lớp học. “Khi được thầy cô Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình đến nhà vận động ra lớp học, em rất vui và hồi hộp chờ cha mẹ đồng ý. Lớp học vào buổi tối, lại được thầy cô cho sách vở, không mất tiền học phí nên từ ngày đi học đến nay, em luôn cố gắng đến lớp đều đặn. Em sẽ cố gắng lấy được bằng THCS để có thể đi học nghề và có việc làm sau này”, Cao Thị Phượng chia sẻ.
Đến lớp học ban đêm ở Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp), chúng tôi gặp em Niê Y Dương (dân tộc Êđê, thôn Hòn Lay) đang chăm chú nghe cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh giảng bài trong sách Ngữ văn lớp 8. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo. Cha mẹ hàng ngày phải đi làm thuê nên cuộc sống rất khó khăn. Đầu năm học 2020 – 2021, khi bước vào lớp 8 thì Niê Y Dương nghỉ học để ở nhà đi làm rẫy thuê. “Mỗi ngày em được trả công từ 100.000 đồng đến 170.000 đồng. Công việc rất vất vả nhưng em phải cố gắng để có tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em đang học lớp 4. Còn em cố gắng theo học lớp phổ cập để hoàn thành chương trình giáo dục THCS. Khi đó em có thể đăng ký học nghề phù hợp với bản thân”, Niê Y Dương tâm sự.
Vui, buồn chuyện đứng lớp
Đi dạy được 4 năm nhưng đây là năm đầu tiên cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh (Trường THCS Chu Văn An) đứng lớp dạy phổ cập vào buổi tối. Nhà cô ở thị trấn Khánh Vĩnh, cách trường hơn 10km đường đèo dốc. Vậy nên, việc đi dạy lớp ban đêm rất vất vả. Nhưng cái khó nhất đối với cô là sự bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm trong việc dạy các lớp học đặc biệt này. “Trước khi tham gia dạy lớp phổ cập vào ban đêm, tôi đã tham khảo kinh nghiệm của các thầy cô đi trước. Nhưng khi đứng lớp vẫn không thể tránh khỏi ngỡ ngàng. Bởi cách truyền đạt, khối lượng kiến thức đưa tới cho các em trong lớp học này hoàn toàn khác so với các lớp học chính khóa. Giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ dành, quan tâm các em. Chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể khiến các em tự ti, mặc cảm và không chịu ra lớp nữa”, cô Nguyễn Thị Thùy Linh tâm sự.
Còn với cô Nguyễn Thị Kiều Mỹ Hoa, buồn nhất trong kỷ niệm dạy học của cô là một hôm không thấy hai HS trong lớp của cô đến lớp, gọi điện các em không được, khi đến nhà tìm hiểu mới biết, hai em đã đi đến tỉnh khác để làm thuê. “Lúc đó tôi buồn lắm vì vận động được một HS ra lớp không phải là việc dễ dàng. Nhưng chỉ đành tự nhủ, khi nào các em xong việc, về lại địa phương thì sẽ đến gặp để nói chuyện, thuyết phục thêm” – cô Hoa bộc bạch.
Để giúp em vào đời
Năm học 2021 – 2022, Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình có 3 lớp phổ cập vào ban đêm với 2 lớp 9 và 1 lớp 8, tổng số 39 HS. Trong đó, có một lớp 9 với 13 HS ở điểm trường thôn Suối Thơm nằm cách điểm trường chính hơn 6km. Thầy Huỳnh Tấn Khởi – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu hết HS tham gia lớp phổ cập đều là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng. Vậy nên, việc mở các lớp học phổ cập vào ban đêm tuy có vất vả cho thầy cô đứng lớp nhưng lại phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của HS. Thời gian qua, đã có nhiều HS sau khi hoàn thành chương trình học phổ cập THCS đã đi học nghề và có việc làm ổn định. “Các em học phổ cập giáo dục được hỗ trợ sách, vở và không thu bất cứ khoản tiền nào nên đã giúp các em yên tâm tham gia lớp. Các lớp vẫn dạy 7 môn chính của chương trình nhưng được giảm tải hơn so với các lớp chính khóa. Những thầy cô đứng lớp không chỉ có chuyên môn tốt mà còn phải nắm bắt được tâm lý HS”, thầy Khởi chia sẻ.
Trường THCS Chu Văn An năm học này có 2 lớp phổ cập cho HS lớp 8 và lớp 9 với số lượng 24 em. Các em đều là người dân tộc Raglai, Êđê, T’rin với độ tuổi từ 14 đến 20. Gia đình các em thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã, trong đó có những em mồ côi cả cha và mẹ. “Việc duy trì các lớp học phổ cập ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Để làm được điều này, cũng như duy trì số lượng HS đến lớp hàng ngày cần có sự tham gia tích cực của các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của xã trong việc nắm bắt cụ thể các trường hợp, vận động các em ra lớp, theo dõi việc đi học hàng ngày của các em…”, cô Hoàng Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết.
Hiện nay Khánh Vĩnh có 14 lớp phổ cập giáo dục THCS với 161 HS, phân bố tại 7 điểm trường của các xã: Khánh Phú; Khánh Hiệp; Liên Sang; Khánh Trung; Khánh Bình và thị trấn Khánh Vĩnh. Các lớp vừa khai giảng năm học 2021 – 2022 vào ngày 1-11 vừa qua. |
Ông Bùi Hữu Hóa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, những năm qua, huyện đã nỗ lực duy trì các lớp phổ cập giáo dục THCS cho những HS có hoàn cảnh khó khăn, không thể đến trường học chính khóa. Các em tốt nghiệp lớp phổ cập đảm bảo đáp ứng tiêu chí tuyển dụng lao động của các cơ sở, doanh nghiệp; hoặc những HS sau khi tốt nghiệp, nếu muốn tiếp tục học nghề cũng đủ điều kiện để theo học. Vì vậy, nhiều năm qua, các lớp phổ cập đã góp phần mở ra tương lai tốt hơn cho các em.
Năm học mới của những lớp phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh vừa bắt đầu. Những ngày này, ngoài truyền đạt kiến thức, các thầy, cô giáo tham gia giảng dạy còn phải lặn lội đến từng nhà gặp gỡ, vận động HS và phụ huynh cho con mình ra lớp. Không quản khó khăn, họ đã và đang trên hành trình nỗ lực dìu dắt, trang bị cho HS khó khăn vùng cao có được hành trang vào đời tốt hơn.
GIANG ĐÌNH – VĨNH THÀNH
Người xem: 2