Hiệu quả xã hội hóa thu gom rác thải vùng biển nuôi hải sản

Hơn nửa năm qua, không riêng người dân ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) mà bất kỳ du khách nào đặt chân đến nơi này cũng đều chia sẻ niềm vui khi tận mắt chứng kiến một hoạt động bảo vệ môi trường biển hiệu quả đã được hình thành ở địa phương này, đó là mô hình xã hội hóa thu gom rác thải vùng biển thả nuôi tôm, cá…

Đưa tôi ra phía bến cá Đầm Môn từ sáng sớm, Trung tá Phạm Tuấn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đầm Môn, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, chỉ tay về phía hai chiếc thuyền nhỏ đang rời bến, hướng mũi lái ra vịnh Vân Phong, khởi đầu hành trình một ngày thu dọn rác trên biển, rồi chia sẻ: “Những năm trước, cư dân ở đây luôn có thói quen vứt rác ra bãi biển mỗi ngày, sóng gió xô đập kéo rác thải ra phía biển tích hợp với lượng rác thải từ hàng ngàn bè tôm, cá của người dân thả nuôi, khiến cho môi trường vùng biển Vạn Thạnh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mô hình thu gom rác thải vùng biển thả nuôi tôm, cá ở địa phương này do ông Trần Thiện Toàn – một người dân ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh tổ chức và điều hành hiệu quả với hai tổ vệ sinh cơ động bằng hai chiếc thuyền nhỏ vận hành trên biển từ sáng đến chiều”.

Ông Nguyễn Cao Thế, người điều khiển một trong hai thuyền máy chuyên trách thu gom rác thải, bày tỏ: “Chúng tôi đến từng bè tôm, cá để thu gom những bao rác thải chuyển tải vào bờ. Cứ thế, mỗi ngày 6 người trong 2 tổ đi trên hai thuyền máy ngược xuôi nhiều chuyến. Lắm kh i lượng rác thải phát sinh thêm nhiều, thì công việc thu gom, vận chuyển rác ngoài biển vào bờ xuyên suốt từ sáng sớm đến chiều tối, lưng áo người nào cũng thấm đẫm mồ hôi. Những khi mưa gió, sóng biển xô đập mạnh, hoạt động thu gom rác vất vả hơn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn phải nỗ lực thực hiện tốt công việc mỗi ngày, trừ khi có bão mới tạm nghỉ, nhưng sau đó phải đối mặt với khối lượng rác thải rất lớn”.

Nhiều người dân ở xã Vạn Thạnh nói rằng họ sinh sống gần biển nhưng trước đây rất ngại tắm biển vì lượng rác thải và mức độ ô nhiễm ở khu vực này, không ít tàu cá rời bờ được vài trăm mét thì phải “đứng chân” tại chỗ do sự cố chân vịt của tàu vướng vấp rác thải. Hơn nửa năm qua, kể từ khi mô hình thu gom rác thải vùng biển thả nuôi tôm, cá do ông Trần Thiện Toàn tổ chức và điều hành hoạt động đã làm sạch dần môi trường nước ở nơi này, người dân không còn lo ngại khi tắm biển, tàu cá ra vào không còn xảy ra sự cố vướng vấp rác thải.

1.jpg -0
Những vùng thả nuôi tôm, cá bằng lồng, bè trên biển rất cần có mô hình thu gom rác thải để bảo vệ môi trường.

Ông Lê Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết, Vạn Thạnh là xã đảo và bán đảo xa xôi cách biệt, dân cư thưa, nên trong 5 năm (2015 – 2020), chính quyền địa phương phải vận động người dân tự nguyện đóng góp một phần lệ phí vệ sinh môi trường, kết hợp nguồn chi hỗ trợ của UBND huyện Vạn Ninh để giao cho ông Trần Thiện Toàn tổ chức nhân lực vận hành xe lôi, len lỏi từng con hẻm trong khu dân cư, thu gom rác thải, chuyển ra điểm tập kết ngoài đường lộ để xe của Công ty môi trường đô thị huyện Vạn Ninh vận chuyển về bãi rác ở thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng. Từ đầu năm nay, xã Vạn Thạnh thực hiện chủ trương chung để tổ chức đấu thầu thu gom rác, ông Toàn là người trúng thầu thu gom rác theo mức thu phí đã được HĐND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.

Đó là chuyện trên bờ, còn việc thu dọn rác thải ngoài biển cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quy định, nhưng vì yêu cầu vệ sinh môi trường nên UBND xã Vạn Thạnh và Đồn Biên phòng Đầm Môn đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Toàn thực hiện mô hình xã hội hóa thu gom rác thải vùng biển thả nuôi tôm, cá ở địa phương bằng cách tự liên hệ với các chủ bè tôm, cá để thỏa thuận dân sự thu gom rác thải mỗi ngày.

Theo ông Lê Hoàng Vương, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, trên vùng biển của xã hiện có 1.338 bè nuôi tôm, cá với hơn 39.000 lồng, hai tổ vệ sinh do ông Toàn điều hành đã thỏa thuận thu gom rác thải cho hơn 50% số bè tôm, cá với khoảng 15.000 lồng, mỗi lồng trả phí 5.000 đồng/tháng. Nhờ đó hơn nửa năm qua lượng rác thải trong vùng biển thả nuôi tôm, cá ở xã Vạn Thạnh giảm thiểu, vì thế mô hình này cần được vận động đến nhiều chủ bè tôm, cá còn lại, để góp phần làm sạch môi trường biển, nâng cao hiệu quả kinh tế thủy sản – du lịch ở địa phương.

Ông Trần Ngọc Thương, chủ nhân một bè tôm ở vùng biển Vạn Thạnh, cũng chia sẻ: “Trước đây, với lượng rác thải từ các lồng, bè vứt bỏ bừa bãi xuống biển mỗi ngày không ít nên nguy cơ tôm, cá dịch bệnh luôn rình rập. Từ khi mô hình thu gom rác thải khu vực thả nuôi tôm cá hoạt động, không riêng tôi mà nhiều người thật sự an tâm hơn vì tình trạng vứt rác thải xuống biển đã giảm thiểu rõ nét, tôi tin rằng những chủ bè tôm, cá còn lại sẽ đồng thuận với mô hình này để bảo vệ môi trường biển nơi mình đang sinh sống và đầu tư kinh tế thủy sản”.

Hữu Toàn
https://cand.com.vn/thi-truong/hieu-qua-xa-hoi-hoa-thu-gom-rac-thai-vung-bien-nuoi-hai-san-i631010/

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *