Khẩn trương lắp đặt camera giám sát trên ô tô kinh doanh vận tải

Từ ngày 1-1-2022, xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) không lắp đặt camera giám sát sẽ bị xử lý. Đến thời điểm này, xe ô tô tuyến cố định đã lắp đặt tương đối nhiều, tuy nhiên các xe hợp đồng, xe du lịch tỷ lệ lắp đặt camera rất thấp.

Tỷ lệ lắp đặt thấp

Để kiểm soát tình trạng xe ô tô KDVT vi phạm an toàn giao thông, Nghị định số 10 của Chính phủ quy định: Xe ô tô KDVT hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái), xe container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh của lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Việc thực hiện quy định này hoàn thành trước ngày 1-7-2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận tải bị gián đoạn, Chính phủ cho phép giãn thời gian áp dụng lộ trình xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp camera trên phương tiện KDVT. Cụ thể, từ ngày 1-7 đến 31-12-2021 chưa xử phạt với xe container, xe đầu kéo vi phạm quy định lắp camera trên xe; từ ngày 1-7-2021 đến 30-6-2022 chưa xử phạt vi phạm quy định này đối với xe chở khách từ 9 chỗ trở lên.

Ngày 20-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô KDVT. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra GTVT đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô tham gia hoạt động KDVT nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera.Xe tuyến cố định chấp hành khá tốt việc lắp đặt camera giám sát (ảnh chụp Bến xe khách Vạn Ninh).

Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã quyết liệt triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lắp camera giám sát đối với xe KDVT. Ông Nguyễn Xuân Thu – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sở đã có nhiều công văn gửi các địa phương đề nghị tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị KDVT sớm lắp đặt camera theo đúng lộ trình. Đồng thời, sở cũng tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp KDVT để chốt thời gian lắp đặt camera. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT cũng phố phối hợp bến xe khách, bến xe hàng và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến, trong quá trình khai thác hoạt động KDVT trên địa bàn tỉnh và nhắc nhở các trường hợp không lắp camera trên xe theo quy định.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 2.150 xe thuộc đối tượng phải lắp đặt camera. Tính đến thời điểm hiện nay, có 537 phương tiện đã lắp đặt (đạt tỷ lệ 25%). Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT cho rằng, do tình hình dịch bệnh kéo dài, các đơn vị KDVT gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhất là các đơn vị KDVT hành khách ngưng hoạt động; các xe hoạt động thì lượng khách cũng không đáng kể, trong khi nhiều thời điểm quy định cho phép xe chở 50% số ghế, thực tế chỉ đạt từ 10 – 30%.

Sẽ thu hồi phù hiệu nếu không chấp hành

Ngày 20-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô KDVT. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra GTVT đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô tham gia hoạt động KDVT nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ tỷ lệ xe ô tô KDVT lắp đặt camera giám sát trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 25% là do lượng xe du lịch, xe hợp đồng lắp đặt thấp (chỉ khoảng 6,7%). Trong khi số lượng xe du lịch, xe hợp đồng xe chiếm tới gần 62%; các xe tuyến cố định, xe đầu kéo, xe buýt đã lắp đặt đạt tỷ lệ từ 50% đến gần 80%. Một số doanh nghiệp cho biết, về cơ bản, các doanh nghiệp rất ủng hộ chủ trương lắp camera. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa lắp đặt là do ảnh hưởng của dịch bệnh quá nặng nề, hoạt động vận tải bị gián đoạn. Ở nhiều địa phương, các phương tiện vận tải phải dừng hoạt động dẫn đến doanh thu giảm sút nghiêm trọng. Nay doanh nghiệp vận tải phải bỏ thêm một khoản tiền lớn để mua camera gắn trên xe là thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Trong thời gian tới, để việc lắp camera giám sát đạt tiến độ theo lộ trình, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền các quy định về việc lắp camera theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thu hồi phù hiệu KDVT đối với các phương tiện thuộc diện bắt buộc lắp đặt camera nhưng không thực hiện; thanh tra giao thông sẽ tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Sở cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với đơn vị KDVT, nhất là đơn vị KDVT hành khách bắt buộc phải ngưng hoạt động do dịch bệnh như: Giảm thuế, khoanh nợ, miễn phí đường bộ… Đồng thời, Bộ GTVT cũng cần công khai các nhãn hàng, nhà cung cấp thiết bị camera giám sát hành trình bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn để đơn vị KDVT biết và thực hiện việc lắp đặt theo đúng yêu cầu.

THÀNH NAM
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202112/khan-truong-lap-dat-camera-giam-sat-tren-o-to-kinh-doanh-van-tai-8238831/

Người xem: 1

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *