Tính đến ngày 5/12, đợt mưa lũ này đã làm 19 người chết, nguyên nhân chủ yếu do đi lại bất cẩn trong mưa lũ; 26 nhà bị sập, đổ; 25 nhà bị thiệt hại; hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hàng nghìn gia súc, hàng chục nghìn cầm bị lũ cuốn trôi…
Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TCKN tỉnh, trong tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra 2 đợt mưa lớn. Đợt 1, từ ngày 9 -14/11, lượng mưa từ 150-250mm; đợt 2, từ ngày 27 – 30/11, lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 400mm. Đặc biệt, tổng lượng mưa trên thượng nguồn các lưu vực sông ở đợt 2 là rất lớn: Sông Dinh Ninh Hòa 300mm, sông Cái Nha Trang 400mm.
Mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 3 người chết; 2 nhà bị sập, hư hỏng; hơn 8.500 hộ/36.000 người bị ảnh hưởng, chủ yếu ở huyện Diên Khánh và Tp.Nha Trang bị ngập lụt; nhiều tuyến đường, công trình thủy lợi… bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng 246 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là về thủy lợi khoảng 139,5 tỷ đồng, tiếp đến là về giao thông 55,17 tỷ đồng, về nông nghiệp 32,55 tỷ đồng…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết mưa lớn trong bối cảnh các hồ chứa nước đã gần đầy, khả năng giảm lũ bị hạn chế nên đã gây ngập lụt nhiều nơi. Khánh Hòa đã tập trung nhân lực, vật lực chủ động ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua.
Cần rà soát công tác xả lũ của các hồ chứa nước
Cuộc họp đã dành nhiều thời gian để đánh giá về nguyên nhân thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua. Nguyên nhân được nhắc đến nhiều đó là công tác dự báo, đợt mưa vừa qua có tổng lượng mưa nhiều nơi cao hơn so với dự báo từ 100-200mm. Lũ trên sông đều cao hơn dự báo, trong đó, trên sông Ba tại Phú Lâm (Phú Yên), sông Dinh tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) lớn hơn nhiều so với dự báo ban đầu, khoảng từ 1m đến 1,93m.
Ngoài ra, mưa lớn xảy ra khi hầu hết các hồ chứa đã đầy nước nên không còn dung tích để giảm lũ cho hạ du; công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ còn bộc lộ một số bất cập; một số bộ phận chính quyền và người dân còn bị động, chủ quan dẫn đến thiệt hại về người do đi lại bất cẩn trong mưa lũ.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng hễ cứ mưa lớn là miền Trung bị ngập lụt và ngập sâu. Thứ nhất, hiện nay, lượng mưa ở các tỉnh khu vực miền Trung với các hồ tích nước thì chênh lệch khá lớn. Ví dụ như trữ lượng mưa ở Khánh Hòa hàng năm khoảng 2,7 tỷ m3 nhưng các hồ đập chỉ mới chứa được 250 triệu m3. Do đó, khi mưa các hồ phải dùng các biện pháp xả lũ.
Thứ hai, trong quá trình đô thị hóa, hiện nay các con sông miền Trung rất dốc, đổ ra biển. Do đó, lưu vực để thoát nước dẫn đến ngập lụt rất nặng. Việc khơi thông các dòng sông thì hiện nay các tỉnh đang gặp khó khăn vì không có kinh phí lớn.
Thứ ba, cần phải có các biện pháp như vùng tránh lũ, di dời dân, tái định cư để người dân “sống chung với lũ” đảm bảo an toàn. Về lâu dài, tỉnh Khánh Hòa thống nhất với tỉnh Phú Yên và tỉnh Bình Định đề nghị lãnh đạo các bộ ngành tiếp tục quan tâm để xây dựng các hồ chứa mới và nâng cấp các hồ chứa có sẵn để đảm bảo an toàn các mùa mưa lũ trong những năm tới.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, bộ ngành, đơn vị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, có giải pháp điều chỉnh quy trình điều tiết nước hồ chứa nhằm hạn chế hơn nữa ảnh hưởng tới hạ du.
Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao chất lượng phối hợp giữa công tác dự báo, cảnh báo với công tác ứng phó nhằm không bị động, bất ngờ; xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, hiệu quả, phù hợp với diễn biến mưa lũ, thiên tai trên địa bàn. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chính quyền phải lấy sự an toàn của người dân là trung tâm, là động lực, là chủ thể của mọi công tác ứng phó với thiên tai. Đồng thời cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức PCTT cho người dân”.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở; khẩn trương khắc phục hư hỏng hạ tầng, khôi phục sản xuất, tổ chức đánh giá, bổ sung hoàn thiện công tác ứng phó thiên tai hiệu quả hơn.
Về lâu dài, chính phủ, các bộ ngành và địa phương tập trung xây dựng tổng thể phương án ứng phó thiên tai trên tinh thần sống chung với lũ. Trong đó, bao gồm các giải pháp về nhà ở cho người dân; xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhất là các hồ đập… Với các đề nghị của các địa phương, đề nghị các bộ ngành liên quan tổng hợp, tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ.
Châu Tường
https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-thiet-hai-do-mua-lu-uoc-khoang-246-ty-dong-a536050.html
Người xem: 5