Khánh Sơn canh cánh nỗi lo mía tím

KÊNH 79 – Dự kiến đến giữa tháng 9, hơn 200ha mía tím Khánh Sơn sẽ bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, người trồng mía đang canh cánh nỗi lo khó tiêu thụ vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Không chỉ vậy, mới đây, mưa đá kèm theo gió lốc đã khiến nhiều diện tích mía tím, sầu riêng bị gãy ngã.

Cơn lốc tai hại

Mới đây, một trận mưa đá kèm theo gió lốc quét qua địa bàn xã Sơn Trung trong vòng 20 phút, khiến nhiều ruộng mía tím trên địa bàn xã bị ngã rạp, gãy ngang gốc. Ông Cao Mai Pháo – trưởng thôn Tà Nĩa (xã Sơn Trung) cho hay: “Thôn có hơn 4ha mía tím bị thiệt hại, chủ yếu của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập chính trông chờ vào các ruộng mía. Nhà tôi có 2 sào mía tím, khoảng cuối tháng 9 thu hoạch, nay bị gãy, ngã trốc gốc gần hết, chỉ cần nắng lên 3-4 ngày là khô, dự tính là tôi lỗ hơn 18 triệu đồng tiền đầu tư, công chăm sóc”.

Mía tím của nông dân xã Sơn Trung bị gãy đổ do mưa đá, gió lốc.
Mía tím của nông dân xã Sơn Trung bị gãy đổ do mưa đá, gió lốc.

Theo UBND xã Sơn Trung, mưa đá và gió lốc xảy ra trên địa bàn khiến cho 8ha mía tím của hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số các thôn: Tà Nĩa, Ma O, Chi Chay bị thiệt hại. Hiện nay, một số ruộng mía tím đã gần đến kỳ thu hoạch được người dân tận thu để giảm thiệt hại, nhưng cũng không ai mua; nhiều diện tích mía còn non, lóng ngắn bị bật gốc, thiệt hại 70-80%. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 20 gốc sầu riêng chừng 10 năm tuổi bị bật gốc; có nhà vườn rụng đến 10 tấn quả sầu riêng, chỉ tận thu được một ít; 8ha bắp của người dân cũng bị thiệt hại do trận gió lốc này.

Tại xã Ba Cụm Bắc, trận mưa đá và gió lốc gây thiệt hại cho hàng chục hộ trồng mía tím và nhà vườn trồng sầu riêng. Ông Đỗ Trung Hiệp – Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc xác nhận: “Trên địa bàn xã có 1 hộ trồng sầu riêng cây bị gãy cành, rụng hơn 200kg quả; nhiều nhà khác cũng rụng quả nhưng số lượng ít hơn. Ngoài ra, có 3ha mía tím, một số diện tích bắp, chủ yếu ở thôn A Thi bị gãy đổ do mưa to, gió lớn”.

Nỗi lo tiêu thụ

Ngoài nỗi lo thiên tai, người dân còn canh cánh nỗi lo dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mía tím. Ông Đỗ Nhi Huy – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, toàn huyện có hơn 200ha mía tím, dự kiến sản lượng đạt hơn 10.000 tấn. Mía tím chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh; các địa phương miền Trung và phía nam chủ yếu là bán cây giống. Mía tím Khánh Sơn tuy đã có thương hiệu, đạt chất lượng cao nhờ trồng theo chuẩn VietGAP nhưng đầu ra vẫn khá bấp bênh. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ mía tím chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Những năm không có dịch bệnh, mía tím Khánh Sơn mang lại nguồn thu khá cao cho nông hộ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trung bình 25-30 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, nông dân trồng mía tím đã từng chịu cảnh tác động của dịch Covid-19 đợt tháng 9-2020, khi ấy cây mía rất khó tiêu thụ, có thời điểm giá mía chỉ còn 8-10 triệu đồng/sào. Vì vậy, nông dân mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng hỗ trợ, kết nối để tiêu thụ hàng nghìn tấn mía tím Khánh Sơn sẽ được thu hoạch rộ vào giữa tháng 9 tới.

 

Ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã tiêu thụ được khoảng 60% trong tổng số hơn 7.100 tấn trái cây dự kiến thu hoạch mùa vụ năm nay; hiện trung bình mỗi ngày thương lái thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ khoảng 300 tấn trái cây, chủ yếu là sầu riêng. Tình hình tiêu thụ sầu riêng tương đối ổn định, cơ bản giải quyết đầu ra cho nông dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá nhiều mặt hàng nông sản thu mua tại vườn giảm so với trung bình nhiều năm.

HẢI LĂNG
https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202108/khanh-son-canh-canh-noi-lo-mia-tim-8225888/

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *