Không chỉ tham dự và đạt giải nhì cuộc thi Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính của công chức, viên chức trẻ tỉnh lần thứ 5 – năm 2021, mô hình ứng dụng smartphone (điện thoại thông minh) vào quy trình sản xuất tin, bài của đội thi Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa (KTV) đã triển khai trong thực tiễn.
Bắt kịp xu thế làm báo hiện đại
Ông Nguyễn Tri Huy – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học tỉnh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi: Tôi ghi nhận sự năng động của đội ngũ trẻ KTV trong ứng dụng smartphone vào sản xuất tin, bài và đã trải nghiệm qua chuyên mục An toàn thông tin mà tôi phối hợp với KTV thực hiện. Ứng dụng này truyền tải trên Facebook và thực hiện các video clip cho thấy cơ chế làm việc thoáng hơn của KTV, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, mang lại hiệu quả công việc cao hơn.
|
Anh Trần Thái Ngọc Huy, đội trưởng đội thi KTV cho biết, các sự kiện đời sống diễn ra khá nhanh và nhiều, nhưng cả ê kíp rất khó có mặt nhanh chóng tại hiện trường vì phải qua rất nhiều khâu phối hợp sản xuất. Từ khi KTV có các hạ tầng mạng xã hội như: Fanpage Facebook, Youtube, web, việc ứng dụng công nghệ cùng với nội dung tốt, cách thể hiện phù hợp giới trẻ… để sản xuất các video ngắn, bắt kịp trào lưu mới là thách thức với các kênh truyền thông này. Trong khi đó, các thiết bị di động thế hệ mới đều hỗ trợ camera chất lượng cao, nhiều ứng dụng (app) hỗ trợ quay, dựng video… có thể đáp ứng nhu cầu quay video của nhà báo. Những điều này thôi thúc các anh phải bắt kịp xu thế làm báo hiện đại.
Tại KTV, việc sản xuất một chương trình truyền hình theo kiểu truyền thống có 11 bước. Nhưng với việc ứng dụng smartphone vào sản xuất video, quá trình tác nghiệp chỉ còn 6 bước. Sau khi xác định ý tưởng, nội dung, biên tập viên chủ động quay hình bằng điện thoại hoặc thêm các thiết bị hỗ trợ, rồi viết lời bình, thu âm lời bình (nếu có) bằng phần mềm thu âm trên điện thoại; tự dựng video bằng ứng dụng trên điện thoại; lồng nhạc, thêm tư liệu, chỉnh sửa video, chèn logo; sau đó xuất file, trình lãnh đạo duyệt và nộp file phát sóng.
Hiệu quả nhiều mặt
Theo đánh giá của đội thi, ứng dụng smartphone vào sản xuất tin, bài vừa tiết kiệm chi phí, vừa có tính cơ động, gần gũi, đa dụng. Quy trình phối hợp giữa các bộ phận tinh gọn hơn. Một cá nhân có thể thực hiện từ ý tưởng, nội dung, biên tập, quay, dựng phim, đọc lời bình, dẫn chương trình… Cách làm này cũng giúp chủ động thời gian tác nghiệp và khá hữu ích trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhà báo có mặt kịp thời tại các sự kiện nóng, giúp khán giả cập nhật thông tin nhanh nhất. Quá trình thực hiện nhiều công việc cũng giúp nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên. Tuy nhiên, để dựng video đẹp, nhiều hiệu ứng, nhà báo cần chi thêm khoảng 400.000 – 900.000 đồng/năm để mua bản quyền app dựng chuyên nghiệp, vì điện thoại di động chỉ hỗ trợ chỉnh sửa video cơ bản; đồng thời tự đầu tư thêm các thiết bị hỗ trợ khác.
Ông Lê Anh Vũ – Giám đốc KTV cho biết, ứng dụng smartphone vào quy trình sản xuất video đang là một trong những xu thế của báo chí hiện đại, là xu thế tất yếu trong sản xuất chương trình; làm phong phú nội dung, cách thể hiện chương trình trên các hạ tầng của KTV và đã được triển khai trên thực tế. Từ năm 2019 đến nay, đã có khoảng 150 video quay, dựng bằng smartphone được duyệt đăng trên các hạ tầng của KTV. Các video hiện trường thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ. Mô hình này phần nào hiện thực hóa chủ trương cải cách hành chính của lãnh đạo đài, mang lại hiệu quả về nội dung và kinh tế. Mô hình cũng thể hiện sự năng động của cán bộ, viên chức trẻ KTV; hỗ trợ đắc lực cho việc sản xuất nhanh tin, bài; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động báo chí của cơ quan. Lãnh đạo KTV sẽ tiếp tục quan tâm đào tạo cho cán bộ, người lao động ở lĩnh vực này, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong đầu tư con người.
NGUYỄN VŨ
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202112/lam-bao-bang-smartphone-8239293/
Người xem: 6