Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức Nhà báo

Là người đặc biệt đề cao đạo đức trong việc cải tạo xã hội, Hồ Chí Minh quan niệm cán bộ báo chí cũng chính là những chiến sĩ cách mạng hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, người làm báo phải lấy đạo đức làm nền tảng cốt yếu nhất trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Chỉ khi đó chúng ta mới có được những tác phẩm xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức Nhà báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam

Làm cách mạng là một công việc vô cùng khó khăn, gian khổ, cho nên hơn lúc nào hết người chiến sĩ cách mạng lại càng cần phải có đạo đức. Nhà báo và những người làm báo cũng là chiến sĩ cách mạng, cùng với tài năng thì đạo đức là yếu tố gốc nguồn không thể thiếu của họ, nếu chỉ là một nhà báo có tài thôi thì chưa đủ bởi “nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Đạo đức giúp nhà báo có trách nhiệm với xã hội, với nhân dân và nghĩa vụ với Đảng và Nhà nước, dù trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà báo rất sâu sắc, có thể khái quát thành một số điểm sau:

Thứ nhất, đạo đức của người làm báo phải thể hiện trước hết ở bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Theo Người, báo chí phản ánh đời sống nhân dân, phản ánh sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì vậy, không lúc nào người làm báo được quên trách nhiệm của mình với Đảng, với dân. Nhà báo chính là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, cho nên phải không ngừng “trau dồi tư tưởng nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, là vũ khí tư tưởng của Đảng và Nhà nước tuyên truyền về đường lối độc lập dân tộc, tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội. “Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng đắn”.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức Nhà báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc

Thứ hai, tác phẩm báo chí của nhà báo là để phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Thực tiễn đời sống của nhân dân rất phong phú, đa dạng bao gồm thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt và xây dựng đời sống mới. Đây chính là nguồn nhựa sống, là sinh khí và là chất liệu vô tận cho nhà báo nên nhà báo phải luôn “gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”. Đó phải là những tác phẩm có hình thức đẹp, nội dung phong phú, giá trị chân thật. Mà để làm được điều đó theo Hồ Chí Minh nhà báo phải trả lời được những câu hỏi, tác phẩm của của mình viết ra để cho ai xem? Tác phẩm viết để làm gì? Tác phẩm viết cái gì? Tác phẩm viết như thế nào? Câu trả lời theo Hồ Chí Minh đó chính là vì nhân dân, vì sự nghiệp chung của toàn thể dân tộc Việt Nam, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, chỉ khi hướng đến cái đích đó báo chí mới khẳng định được vị thế của mình trong nhân dân, được nhân dân truyền tụng và ca ngợi. Nhân dân cũng chính là những người sẽ kiểm định, đánh giá báo chí, phản hồi, góp ý bài viết chưa đúng. Vì vậy, Người yêu cầu, đối với các tờ báo phải luôn để mục “Hoan nghênh bạn đọc phê bình”. Người còn căn dặn: “Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức Nhà báo

Nhà báo cách mạng – Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc

Thứ ba, Đạo đức nhà báo phải thể hiện qua sự khách quan, chân thực, tôn trọng sự thật. Đối với hoạt động sáng tạo báo chí, Người đặc biệt lưu ý các nhà báo phải có sự chân thật, khách quan đối với từng con người, từng sự việc trong tác phẩm của mình, phải tránh tư tưởng ba hoa, nói không có sách, mách không có chứng, những gì không biết, không được nghe hoặc nhìn thấy cụ thể thì “chớ nói, chớ viết”. “Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, Người còn yêu cầu những sự việc chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ” thì cũng “chớ nói, chớ viết”. Sự chân thật, khách quan đối với những tác phẩm của mình đó cũng là những giá trị đạo đức mà nhà báo phải luôn rèn luyện, phải biết rằng “quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày mai, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”. Như vậy, báo chí và người làm báo phải luôn lấy tôn chỉ “người thật, việc thật” để phản ánh nêu gương hoặc phê phán, tránh tư tưởng phóng đại, sai sự thật, có “ít suýt ra nhiều”.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Người làm báo phải đưa thông tin khách quan, đa chiều để cung cấp thông tin chính xác đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng. Tin phải đến đúng lúc, đúng chỗ và phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Nếu tin giả thì hại khôn lường, nếu vì lợi ích của một cá nhân, tổ chức mà lái nội dung tin là vi phạm nguyên tắc báo chí. Đã làm báo chí là phải khách quan. Người làm báo phải nhớ rõ viết cho nhân dân, vì nhân dân. Nếu không đến hiện trường lấy tài liệu mà tự ngồi viết bài mà thông tin đó không chính xác gây ảnh hưởng đến những quyết định của cá nhân, tập thể, quốc gia, ảnh hưởng đến bang giao của Việt Nam với thế giới thì thế nào đây? Người làm báo là thư ký của thời đại, phải khách quan, trung thực”.

4 bao chi HCm anh 1

Tờ “Người cùng khổ” – tờ báo Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập năm 1922

Thứ tư, Nhà báo cũng phải luôn có thái độ tự phê bình và phê bình. Bản thân báo chí là cơ quan phản ánh, có trách nhiệm phê bình những những thói hư, tật xấu trong xã hội, Người căn dặn: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”, nhưng muốn làm được điều đó thì trước tiên nhà báo phải tự phê bình bản thân mình đã, mình có hay, có tốt, có đẹp mới đi nói và viết về người khác được, nếu tự bản thân mình đã “hủ hóa, xấu xa” thì còn ai tin vào bài viết, tin vào tác phẩm của mình nữa. Thái độ phê bình cũng được Người đặc biệt lưu ý, nhắc nhở “phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu: “các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”.

Bác Hồ và những người làm báo

Nhà báo cách mạng – Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ năm, nhà báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện suốt đời. Theo Hồ Chí Minh, việc học tập, tu dưỡng là việc suốt đời, còn sống thì còn phải học. Đối với cán bộ báo chí thì việc học tập, tu dưỡng lại càng cần thiết, vì sự vật, hiện tượng luôn luôn thay đổi mà nhà báo không chịu học tập thì làm sao có kiến thức để viết bài, làm sao cập nhật được những thông tin mới trong bài viết của mình. Trả lời câu hỏi học ở đâu, Người khẳng định: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”, và phải luôn luôn xác định “lấy tự học làm cốt”. Bản thân nhà báo Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình về sự khổ công học tập, sự tự học, tự rèn luyện kỹ năng viết báo và học tập kinh nghiệm của báo chí các nước anh em và từ trong nhân dân. Với sự kiên trì, nhẫn nại, biết lắng nghe quần chúng và xuất phát từ tình yêu với quần chúng nhân dân mà Người đã trở thành cây bút vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Để hoàn thành trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đặc biệt là tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, người làm báo Việt Nam phải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Để đạt được hiệu quả của “nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa”.

https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/loi-day-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-dao-duc-nha-bao-43946/

Người xem: 9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *