Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay thật đặc biệt và nhiều cảm xúc khi hầu hết các trường học sẽ không diễn ra các hoạt động kỷ niệm, các buổi sinh hoạt ngoại khóa sôi nổi tri ân các thầy cô giáo. Đã hơn nửa năm, trường học vắng bóng học sinh, tương tác giữa thầy cô và học trò chỉ diễn ra trên môi trường mạng. Và bây giờ, trong giai đoạn bình thường mới thích ứng với dịch bệnh, nhiều trường đã đón học sinh quay trở lại, trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng dù sao cũng là những tín hiệu tích cực để lại có “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” như trước…
2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến trường học ở hơn 188 quốc gia phải đóng cửa, làm gián đoạn việc học tập của 1,6 tỷ trẻ em, tương đương 75% số trẻ em trong độ tuổi đến trường. Tại Việt Nam, gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước không được tới trường trong một thời gian dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn… Dù vậy, toàn ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, linh hoạt chuyển đổi trạng thái hoạt động, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, thích ứng với đại dịch để không làm việc dạy và học bị gián đoạn. “Biến nguy thành cơ”, với ngành Giáo dục, giai đoạn này vừa nhiều thách thức nhưng cũng là một bước chuyển khi mỗi ngôi trường, mỗi thầy cô đều phải thay đổi tư duy, sáng tạo trong việc chuyển tải kiến thức…
Thật khó có thể nói hết sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ giáo viên. Trong 3 tháng hè, họ đã không có những ngày nghỉ thật sự mà trở thành những chiến sĩ áo xanh, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Họ là những tình nguyện viên không ngại mưa nắng, vào trong tâm dịch để lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng, là những người có mặt tại các điểm tiêm chủng và những ngày cao điểm từ sáng sớm đến nửa đêm để hỗ trợ nhập dữ liệu, hướng dẫn người dân; là những người âm thầm chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn hơn mình… Và bây giờ, khi trở lại bục giảng trong những ngày bình thường mới, các thầy cô không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn là chỗ dựa, hỗ trợ học sinh vượt qua những khủng hoảng về tâm lý, tinh thần trong dịch bệnh Covid-19.
Với những người làm công tác giáo dục, món quà lớn nhất họ luôn mong muốn nhận được chính là những “trái ngọt” từ sự chăm bón, vun đắp trong sự nghiệp trồng người của mình. Trong những ngày bình thường mới này, dù còn nhiều khó khăn nhưng niềm vui của các thầy cô đơn giản là được trở lại trường, được đứng trên bục giảng, được nhìn thấy và trò chuyện với những gương mặt học trò thân quen… Mong muốn lớn nhất của những người làm công tác giáo dục giờ đây có lẽ là sớm có được những những ngày “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, giáo viên và học sinh an tâm, an toàn khi tới lớp, tới trường.
Năm học trước, UNICEF tại Việt Nam đã kêu gọi cha mẹ và học sinh chia sẻ trên mạng xã hội những dòng nhắn gửi cảm ơn tới các thầy cô giáo, những người đã có vai trò quan trọng giúp cho học sinh tiếp tục học tập trong thời gian trường học đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Năm học này, trong ngày lễ tri ân 20-11 này, dù không có chiến dịch nào được phát động nhưng chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều lời cảm ơn, nhiều tình cảm, cảm xúc chân thành sẽ được gửi đến các thầy cô – những người đã tận tâm gieo trái ngọt cho đời…
LỆ HẰNG
https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/202111/mon-qua-cua-thay-co-8235473/
Người xem: 9