Người cha của những đứa trẻ bị bỏ rơi

Gần 20 năm qua, ông Tống Phước Phúc, chủ Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lặng thầm cưu mang, nuôi dạy hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi, giúp đỡ hàng chục phụ nữ bị lầm lỡ, mang thai ngoài ý muốn. Việc làm ý nghĩa của ông đã góp phần lan tỏa tình yêu thương, giúp những số phận bất hạnh vươn lên trong cuộc sống.

Ông Tống Phước Phúc cùng vợ bên những đứa trẻ được ông nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc.
Ông Tống Phước Phúc cùng vợ bên những đứa trẻ được ông nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc.

Nằm sâu trong con hẻm của đường Phương Sài (TP. Nha Trang), Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc rộng chừng 80m2 luôn ngập tràn tiếng cười, tiếng bi bô đọc bài của trẻ. Đó là những đứa trẻ được sinh ra và bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, được ông Tống Phước Phúc mang về nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông Tống Phước Phúc kể, năm 2004, trong một lần đi phụ hồ trở về nhà thì phát hiện một đứa bé bỏ dưới một gốc cây vẫn còn giây rốn, kiến bu đầy người và không có bất cứ giấy tờ, đồ vật nào. Thấy vậy, ông đưa cháu bé đến bệnh viện cứu chữa qua cơn nguy kịch, rồi làm thủ tục nhận làm con nuôi. Cũng chính từ đó, cơ duyên nhận nuôi trẻ bỏ rơi đến với ông, ngày càng nhiều bà mẹ mang thai ngoài ý muốn, sinh con ra rồi đem đến bỏ trước cổng nhà ông. Có người đến nhà gõ cửa, trao con cho ông Phúc xong rồi chạy; có người nói là sinh viên, công nhân… vì trót dại, bị kẻ xấu lừa gạt mang thai giờ không có khả năng nuôi con.

Không chỉ vậy, nhiều năm qua, ông Phúc còn sẵn lòng tiếp nhận, cưu mang, giúp đỡ những bà mẹ mang thai ngoài ý muốn, không có có khả năng tự lo cho bản thân đến ở cơ sở của mình và được ông chăm sóc cho đến ngày sinh con. Nếu vì hoàn cảnh muốn bỏ con lại, cứ để ông nuôi dạy, đến khi nào có điều kiện muốn quay về nhận thì ông sẵn lòng trao con lại. Cứ thế, từ đứa trẻ đầu tiên ông nhặt được, người phụ nữ được ông khuyên bảo thành công, đến nay, cộng dồn lại, có hơn 300 trẻ bị bỏ rơi và hơn 200 bà mẹ đơn thân được ông  đưa về chăm sóc cho đến khi sinh nở xong rồi bỏ đi.

Mỗi đứa trẻ được ông cưu mang đều đặt tên lấy họ “Tống”, tên con gái đều là “Tâm” và tên con trai đều là “Vinh”, chỉ khác mỗi chữ lót là tên của người đã sinh ra đứa trẻ. Ông luôn mong rằng, một ngày nào đó, những người mẹ ấy sẽ quay trở lại tìm và nhận nuôi những đứa con do chính mình đã sinh ra và từ bỏ. Rồi cũng có nhiều đứa trẻ được ông nuôi dưỡng lớn lên và được mẹ đến xin nhận lại; cũng có không ít những đứa trẻ được nhiều gia đình không có khả năng sinh con đến xin nhận làm con nuôi, được cơ quan chức năng chứng nhận. Để có tiền chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, hàng ngày ông Phúc đi làm thợ xây và nhận chăm sóc vườn thuê. Ngoài ra, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm khi biết đến việc làm của ông đã hỗ trợ kinh phí, thực phẩm, vật dụng… giúp ông có thêm điều kiện chăm sóc trẻ.

Nhìn mái tóc hoa tiêu, đôi bàn tay nhăn nheo, chai sần, nhưng lại rất khéo léo trong việc pha sữa, bồng bế những đứa trẻ còn đỏ hỏn cho bú sữa bình mới thấy được tấm lòng yêu trẻ của ông Phúc. Với ông, cơ sở bảo trợ là ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình. Vì vậy ông luôn cố gắng vượt qua những khó khăn để chăm sóc, bù đắp những khoảng trống về tình thương cho những đưa trẻ với mong muốn sau này chúng nên người. Ông Phúc tâm sự: “Mặc dù cuộc sống gia đình nhiều khó khăn, những rất mừng là vợ con và người thân trong gia đình luôn ủng hộ, nhiệt tình tham gia phụ giúp tôi việc chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ ở đây. Việc nuôi trẻ không phải dễ, trở trời là ho, sốt, có đứa phải đi viện điều trị ở nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh khiến nhiều lúc tôi như kiệt sức. Nhưng nhìn những gương mặt bé nhỏ, ngộ nghĩnh và đáng yêu, nghĩ đến những lời nói yêu thương, nụ cười hồn nhiên ấm áp của những đứa trẻ đầy thiệt thòi này thì tinh thần tôi lại được vực dậy, vượt qua mọi gian khổ”.

Hiện nay, tại cơ sở bảo trợ của ông Phúc còn 16 trẻ mồ côi và tất cả đều gọi ông là ba. Em Tống Phước Hải Vinh (14 tuổi) được ông Phúc đưa về nuôi dưỡng từ lúc đỏ hỏn chia sẻ: “Ba Phúc là một người rất nhân hậu và yêu thương anh em trong nhà như nhau. Hàng ngày, ba lo cho chúng em từ miếng ăn, giấc ngủ và dạy bảo những điều hay, lẽ phải. Chúng em đều rất yêu quý ba Phúc và luôn mong ba được khỏe mạnh. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, để sau này lớn lên có việc làm ổn định để giúp ba Phúc chăm sóc anh em trong nhà”. Còn chị C.T (23 tuổi) – một bà mẹ đơn thân đang sinh sống tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Phước Phúc tâm sự: “Gia đình bạn trai không chấp nhận đứa con trong bụng nên bắt ép tôi phải bỏ cái thai. Khi được chú Phúc khuyên bảo, tôi tới đây nương nhờ chờ ngày sinh con. Chú Phúc rất chu đáo, lo từng bữa ăn, nơi ở và thường xuyên động viên, giúp đỡ tôi. Tôi chỉ biết cảm ơn tấm lòng của chú!”.

Ông Tống Phước Phúc thắp nhang trên bàn thờ những thai nhi bị vứt bỏ được ông đưa về chôn cất.
Ông Tống Phước Phúc thắp nhang trên bàn thờ những thai nhi bị vứt bỏ được ông đưa về chôn cất.

Không chỉ vậy, gần 20 năm qua, ông Phúc còn tình nguyện nhặt, tiếp nhận hơn 20.000 thi thể hài nhi đưa về chôn cất, mai táng, thờ cúng trong khu nghĩa trang do mình xây dựng ở xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh). Hàng tuần, sau giờ chăm sóc những đứa trẻ ở cơ sở bảo trợ của mình, ông dành một khoảng thời gian lên khu nghĩa trang để chăm sóc, nhang khói cho những đứa trẻ xấu số. Ông Phúc tâm sự: “Qua việc làm của tôi, chỉ mong mọi người hãy dừng ngay hành động phá bỏ thai nhi, những sinh linh bé bỏng, máu mủ của mình”.

Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhiều năm qua, ông Tống Phước Phúc đã giúp đỡ, chăm sóc nhiều trẻ em bị bỏ rơi và những bà mẹ đơn thân giữ lại thai nhi, sinh con, hạn chế tình trạng nạo phá thai. Chính những việc làm của ông Tống Phước Phúc đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức tặng bằng khen, giấy khen. Hàng năm, sở và địa phương đã bám sát theo dõi, khảo khát, kiểm tra hoạt động của cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Đình Trí
https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202303/nguoi-cha-cua-nhung-dua-tre-bi-bo-roi-8277731/

Người xem: 54

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *