Thầy giáo Đinh Đức Hiền trả lời phỏng vấn – Ảnh: DANH KHANG
Ngày 10-6, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Giáo dục và đào tạo” (Bộ GD-ĐT) và khởi tố 2 bị can để điều tra tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hai cựu giáo viên thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội bị điều tra dấu hiệu vi phạm khi xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn sinh học, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hà Nội) – người đã nhiều lần phân tích, gửi kiến nghị, phản ảnh, tâm thư đến Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng khi phát hiện đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 có vấn đề.
Mong xử lý đúng người đúng tội
* Sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án và 2 người liên quan nghi án về đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trên Facebook cá nhân của thầy có nhiều người gửi lời chúc mừng, thầy có cảm nghĩ gì về điều này?
– Có thể việc tố giác không phải dễ dàng nhưng tôi không muốn nhận lời chúc mừng, bởi tôi chỉ làm điều bình thường, cần và nên làm đối với một nhà giáo. Nhất là khi môn Sinh thuộc khối B và phần nhiều các em thi sau này có thể vào trường y nên nếu không có sự công bằng, chính xác sẽ ảnh hưởng tới đào tạo bác sĩ trong tương lai. Còn công chính là các thầy cô giáo trên khắp cả nước đã cùng lên tiếng và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.
Khi nghe tin Bộ Công an khởi tố vụ án tôi có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Vui là bởi những thông tin phản ánh, đấu tranh vì sự công bằng của kỳ thi, của các em học sinh mà tôi và nhiều thầy cô tâm huyết trên cả nước thực hiện đã có kết quả và dần sáng tỏ. Bên cạnh đó, niềm tin tuyệt đối vào sự nghiêm minh của nhà nước, pháp luật ngày càng lớn hơn.
Tuy nhiên, tôi buồn vì điều đáng tiếc đã xảy ra trong ngành giáo dục, khiến dư luận, người dân bức xúc. Dù không ai mong muốn nhưng chúng ta đã đối diện, dám nhìn thẳng vào sự thật còn tồn tại để sửa chữa, khắc phục từ đó làm trong sạch nền giáo dục. Nếu như chúng ta không duy trì được sự công bằng, minh bạch trong các kỳ thi thì mọi điều làm cho học trò đều sẽ trở lên vô nghĩa.
* Thầy có thể chia sẻ lại về quá trình đeo đuổi vụ việc này?
– Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 diễn ra, tôi nhận được phản ảnh của một số đồng nghiệp và học sinh về hiện tượng giống nhau giữa đề thi môn sinh và đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ (hiệu phó Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) ngay trước buổi thi chính thức 1 ngày, kèm theo đó là tài liệu đề, các video livestream trên Facebook thầy Nghệ.
Tôi tiến hành đối sánh sơ bộ các tài liệu của thầy Nghệ và đề thi chính thức, kết quả sự tương đồng rất cao, lên tới 32/40 câu hỏi. Sau đó, tôi gửi tâm thư cùng tài liệu vào email của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị lập hội đồng đối sánh, trả lời dư luận sự trùng hợp là ngẫu nhiên hay có vấn đề khác. Nguyên cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh có phản hồi rằng đã nắm được sự việc và đang cùng cơ quan chức năng xác minh.
Những tháng sau đó, tôi gửi email lại cho bộ và chỉ nhận được thông tin phản hồi đang xác minh. Đến tháng 11-2021, tôi gửi email cho Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và gửi tin nhắn đến một số đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn nội dung này tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 khóa XV. Sau kỳ họp, Bộ trưởng Sơn có trả lời email nêu vẫn đang tiến hành xác minh sự việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tiếp đó, tôi gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Công an, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Đến tháng 12-2021, tôi nhận thông tin từ báo chí phản ánh liên quan biên bản thẩm định của tổ chuyên gia về đề thi môn sinh 2021 với nội dung khẳng định nhiều bất thường trong đề thi và việc luyện thi môn sinh. Biên bản này có từ tháng 8-2021 nhưng không được Bộ GD-ĐT thông báo.
Tháng 1-2022, cục phó Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT có email nhờ đối sánh lại tài liệu thầy Nghệ với 4 mã đề duyệt chốt môn sinh tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. Sau khi tôi đối sánh theo các tiêu chí mà cục phó đưa ra, kết quả khá tương đồng với kết quả tổ chuyên gia trước đó.
Đến tháng 5-2022, tôi có buổi làm việc với Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để cung cấp các thông tin liên quan. Ngoài ra, đến nay tôi chưa có buổi làm việc chính thức nào với phía Bộ GD-ĐT.
* Liên tục gửi tâm thư, phản ánh, đơn kiến nghị như vậy, thầy mong muốn thế nào về việc xử lý vụ việc?
– Tôi hoàn toàn tin tưởng vào cơ quan điều tra sẽ sớm làm sáng tỏ vụ việc, xem xét các cá nhân, tổ chức có liên quan. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng sẽ làm rõ bản chất của vụ việc và xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, đem lại sự công bằng cho xã hội.
Đừng kéo con trẻ vào cái sai của chúng ta
* Việc xử lý vụ án đang tiếp diễn nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cũng sắp sửa diễn ra, theo thầy trong thời gian tới, cần có những giải pháp gì để có thể ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong thi cử, hướng tới một kỳ thi công bằng, khách quan, minh bạch?
– Để có một kỳ thi công bằng, minh bạch, tôi thấy có 2 vấn đề cần đặt ra, đó là quy trình và con người. Đối với quy trình, sau những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 diễn ra với những sai sót, kẽ hở mà cơ quan chức năng đã chỉ ra thì tôi nghĩ năm nay Bộ GD-ĐT sẽ phải điều chỉnh.
Theo dõi trên báo chí, tôi được biết năm nay bộ đã có những điều chỉnh các quy trình, kỹ thuật, tính bảo mật của đề thi, trong đó ngoài Bộ GD-ĐT sẽ có sự tham gia của Bộ Công an. Tôi tin rằng quy trình sẽ được cải thiện rất nhiều và không có sự lo ngại.
Với vấn đề con người chính là điểm khó kiểm soát nhất. Tôi cho rằng từ khâu chọn người vào tổ ra đề, hội đồng coi thi, các thành phần khác phải thực sự nghiêm ngặt. Thực tế, trong tổ ra đề thi hằng năm của bộ có sự bất cập là không ít người đã tham gia tổ này rất nhiều năm như cô My, thầy Sâm (2 người bị khởi tố – PV).
Việc này gây lối mòn trong việc ra đề thi, không đảm bảo được tính mới và tạo kẽ hở, dễ dẫn đến vi phạm. Do đó, chúng ta nên thay đổi tổ ra đề thi hằng năm bao gồm cả tổ trưởng, các thành viên liên quan. Với tổ thẩm định, rà soát cũng cần thay đổi thường xuyên để tránh sự lợi dụng, sơ hở.
* Với một kỳ thi tầm quốc gia, kết quả được sử dụng cho cả xét tuyển đại học và Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi, trong đó có khâu ra đề. Vậy khi xảy sự cố thì trách nhiệm của bộ được nhìn nhận thế nào?
– Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ quản, tổ chức kỳ thi nên sẽ phải có trách nhiệm ban hành các quy trình, quy chế rõ ràng, công khai, chặt chẽ, tuyển chọn những con người phù hợp. Qua sự cố này, chắc chắn bộ sẽ phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan và vi phạm đến đâu sẽ được cơ quan chức năng làm rõ căn cứ và xử lý đúng quy định pháp luật.
Cái chính tôi muốn nói là các lãnh đạo ngành giáo dục và giáo viên đều muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò của mình. Tuy nhiên, thực tế đôi khi muốn đem đến điều tốt đẹp song cách làm chưa đúng thì lại vô tình kéo con trẻ vào cái sai của chúng ta.
Vì thế, tôi mong rằng các nhà lãnh đạo, thầy cô khi làm giáo dục thì mục tiêu đầu tiên cần hướng tới là sự trưởng thành, tử tế của học trò. Khi tâm niệm được điều đó sẽ giúp mang lại sự công bằng cho các kỳ thi.
Tôi cũng tin và kỳ vọng với sự vào cuộc điều tra của cơ quan công an, sự thay đổi của Bộ GD-ĐT trong việc ra đề, coi thi thì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 sẽ có sự công bằng, minh bạch hơn rất nhiều.
Hướng tới một kỳ thi nghiêm túc, công bằng
* Bà Nguyễn Thị Mai Hoa (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội):
Bộ GD-ĐT không thể không chịu trách nhiệm và những vụ việc liên quan đến nghi vấn bất thường trong đề thi của một kỳ thi cấp quốc gia như sự cố vừa qua cần được bộ vào cuộc xử lý nhanh hơn, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn. Đó không chỉ là trách nhiệm mà phải xác định là danh dự, là uy tín.
Ngành giáo dục rất cần biểu dương những người dám lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực như thầy giáo Hiền, coi đây là gương sáng để nhân rộng trong toàn ngành; từ đó gắn kết trách nhiệm với danh dự cá nhân để mỗi cán bộ, giáo viên “nói không với những tiêu cực trong thi cử”. Đây là việc nên làm, cần làm, phải làm trong bối cảnh quyết tâm đổi mới vì một nền giáo dục “học thật, thi thật” để hướng tới “nhân tài thật”.
* Đại biểu Nguyễn Kim Thúy (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):
Sau khi nhận được phản ảnh của thầy giáo Hiền, tôi đã chuyển nội dung đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT ngay cuối kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV và chuyển đến Tổng thanh tra Chính phủ để xử lý theo đúng thẩm quyền. Hiện nay, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, điều tra nên cần chờ kết quả điều tra cụ thể.
* Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp):
Với việc Bộ Công an khởi tố vụ án và hai người trong tổ ra đề thi môn sinh cho thấy có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, nhưng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đến đâu cần chờ kết quả điều tra.
Sau sự việc này, để có kỳ thi THPT quốc gia công bằng, minh bạch với mọi thí sinh thì điều cốt lõi nhất chính là ở khâu chọn người ở tổ ra đề, hội đồng tổ chức, coi thi và người giám sát, nhất là sự tham gia của lực lượng công an.
Bởi dù chúng ta có dùng máy tính, trang thiết bị hiện đại nhưng người vận hành vẫn là quan trọng hơn cả. Những người này phải thực sự có đạo đức, công tâm, khách quan thì mới mong hạn chế những tiêu cực, sai sót và có được kỳ thi công bằng.
Thầy giáo Đinh Đức Hiền (33 tuổi, Hà Nội) tốt nghiệp hệ cử nhân Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp thạc sĩ sinh học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Thầy đang tham gia giảng dạy tại một số trung tâm giáo dục lớn ở Hà Nội. Thầy Hiền được đông đảo học trò biết và dành tình cảm yêu quý bởi sự chân thành, tận tâm với nghề. Thầy cũng đồng hành với nhiều học sinh ôn thi môn sinh học và đạt điểm cao.
https://tuoitre.vn/nguoi-phat-hien-vu-lo-de-thi-mon-sinh-toi-nhieu-lan-gui-thu-cho-bo-giao-duc-va-dao-tao-20220613075741427.htm
Người xem: 57