Chiếc xe cứu thương miễn phí của bà Phan Thị Bính khai trương từ tháng 12/2018 nhờ bán mảnh đất ở Cam Ranh, Khánh Hòa với giá gần một tỷ đồng.
Kể từ đó đến nay, người phụ nữ ở quận Hoàng Mai và 10 cộng sự đã có mặt trên hơn 400 chuyến xe chở bệnh nhân, rong ruổi khắp các tỉnh phía Bắc.
Xe cứu thương miễn phí là kế hoạch ấp ủ của bà Bính từ năm 2016, khi biết một người ở Sơn La bó chiếu thi thể em trai chở về bằng xe máy vì không có tiền thuê ôtô. Tiếp đến là vụ bảo vệ một bệnh viện chặn xe chở bệnh nhi hấp hối về quê chỉ vì “luật ngầm không cho xe từ nơi khác đến đón bệnh nhân”.
“Tôi bị ám ảnh. Khi đó đã ước có một chiếc xe cứu thương miễn phí chở người bệnh về quê cho đỡ khổ”, bà nói.
“Biết tới chuyến xe miễn phí trước ngày ra viện, tôi gọi cô Bính khi trong túi không còn một đồng”, anh Trần Quang Định, quê Trực Ninh, Nam Định chia sẻ. Người đàn ông liệt hai chân được “xe cô Bính” đưa từ viện Bỏng về tận nhà cuối năm 2020. Anh còn được cho thêm ít tiền bởi gia cảnh khó khăn, một mình nuôi con nhỏ.
Bà Phan Thị Bính hỗ trợ một số gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Hải Hậu, Nam Định, tháng 1/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Công việc thiện nguyện tình cờ đến với bà Bính 21 năm trước. Vì biến cố gia đình, bà thường theo đoàn Phật tử lễ bái nhiều nơi. Nhìn những đứa trẻ vùng cao co ro giữa trời lạnh, bà về gom quần áo cũ mang lên tặng. Thời điểm đó, bà có nghề tay trái buôn bán và kinh doanh bất động sản. Tiền lời, lại dành hết mua quà cho hoàn cảnh neo đơn, đi xây cầu đường hoặc nấu cơm, cháo từ thiện tại các bệnh viện.
Năm 2011, một khối u ác xuất hiện bên ngực phải, bà phải phẫu thuật cắt bỏ. Nhưng bệnh tật vẫn đeo bám bà.
“Tôi rất cần thoát khỏi nỗi đau này”, bà nói.
Bà tiếp tục nấu cơm, nấu cháo, lăn lộn đến những nơi khó khăn, như cách trả nợ đời. Sau thời gian dài làm thiện nguyện một mình, năm 2018, bà thành lập nhóm Từ Tâm, kêu gọi tài trợ mổ mắt miễn phí cho 400 trường hợp đục thủy tinh thể.
Cuối năm 2019, bà Bính dự định mở nhà thuốc Đông y miễn phí từ tiền bán mảnh đất thứ hai ở Đà Nẵng nhưng Covid-19 bùng phát, kế hoạch được tạm gác lại. Một năm sau, những tế bào ung thư bắt đầu di căn vào xương. Hai tháng nằm viện xạ trị, truyền hóa chất, những cơn đau liên tục hành hạ. Mọi hoạt động dù nhỏ nhất như xoay người, đi vệ sinh bà cũng cần sự trợ giúp.
“Ung thư 10 năm, đây là thời điểm tôi đau đớn nhất, nhưng vẫn khát khao sống để mở được nhà thuốc”, bà Bính nói và cho biết trận ốm năm đó, bà sụt mất 10 kg.
Ngày bà ra viện cũng là thời điểm bão lũ xảy ra ở miền Trung. Nằm ở nhà, bà sử dụng một lúc ba chiếc điện thoại điều phối bốn xe chở lương thực, thuốc men, quần áo vào vùng lũ. Chiếc điện thoại này vừa hạ xuống, chiếc bên cạnh lại rung lên, nóng ran cả ngày.
Bà Phan Thị Bính nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Vũ Vân Anh, một thành viên nhóm Từ Tâm cho biết, chị nể nghị lực của bà Bính. “Có lần dù hôm trước vừa xạ trị, hôm sau 3h sáng cô đã có mặt để xếp đồ đi thiện nguyện với nhóm”.
“Cô Bính xứng đáng là thủ lĩnh, bất chấp bệnh tật để giúp đỡ người khó hơn mình”, Vân Anh nói.
Trước Covid -19, bà Bính cùng những người bạn thành lập thêm tổ cháo, tổ cơm, nấu và phát miễn phí cho những bệnh nhân và người nhà tại một số bệnh viện tại Hà Nội. Trong dịch, vì phải ở nhà, bà đồng tài trợ xây trường học ở An Giang, Quảng Bình. Bà cũng hỗ trợ quần áo, sách vở cho nhiều điểm trường tại Tuyên Quang, đồng thời là nhà tài trợ chính xây cầu và làm đường ở Bến Tre.
“Chúng ta có thể không làm được những điều lớn lao, nhưng có thể làm được những điều nhỏ bé từ tình yêu lớn lao”, người phụ nữ Hà Nội nói trong buổi tuyên dương 9 công dân Thủ đô ưu tú năm 2021. Bà cũng được Thủ tướng tặng bằng khen cá nhân điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hiện ước mơ duy nhất của người phụ nữ 65 tuổi là có thêm sức khỏe, thực hiện mong muốn xây nhà dưỡng lão và trại mồ côi cho trẻ em.
“Nếu hoàn thành kịp, tôi nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng”, bà nói.
Hải Hiền
Người xem: 0