Nguồn lực đất đai đang bị các nhóm lợi ích xâu xé


Sáng 8/10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Giảng viên Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc sửa luật lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của nhà nước trong vấn đề sở hữu. Đặc biệt, hiện nay tiêu cực liên quan đến đất công, đất giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức của Nhà nước hiện nay sử dụng rất lãng phí.

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước sử dụng đất công rất lãng phí, thậm chí còn chia cho các cá nhân sử dụng; nhiều vị trí đất vàng bị chiếm dụng… Việc chuyển nhượng, tham nhũng tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến

Do đó, ông Tuyến đề nghị cần thể chế hoá bằng được vai trò của nhà nước với tư cách người sử dụng đất. Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác.

“Vừa qua những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong vụ án Vũ Nhôm, liên quan đến Bình Dương, Khánh Hoà đều xảy ra liên quan đến đất công”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến dẫn chứng.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cũng băn khoăn về việc giao UBND tỉnh ban hành khung giá đất bồi thường có hợp lý?. Ông đề nghị nên giao cơ quan chuyên môn để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các lợi ích nhóm. Cần làm rõ việc kiểm soát quyền sở hữu toàn dân là thế nào, bởi ở nước ta có hơn 2 vạn quyền sở hữu, nhiều doanh nghiệp cũng hiện đang chăm chăm vào nguồn lực đất đai của quốc gia. Thế nên mới xuất hiện tình trạng thu hồi đất ruộng của người dân, chuyển mục đích sử dụng rồi mang đi phân lô, bán nền, chênh lệch chia nhau là giàu có”, ông Tuyến cảnh báo.

Vì vậy, ông đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân. Người dân ở đây phải là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch.

Tham nhũng trong đất đai là kinh khủng nhất

GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn đặt vấn đề: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, vậy chúng ta đã cụ thể hóa Luật đất đai theo tư tưởng này chưa?.

Theo ông, Luật Đất đai chưa thể hiện được tinh thần này mà mới ưu tiên quản lý nhà nước, trong đó chủ yếu nói đến vai trò của hành pháp là chính.

GS.TS Võ Khánh Vinh

Nhắc đến tư tưởng của Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của nhân dân, ông Vinh đề nghị trong Luật Đất đai tới đây phải nhấn mạnh điều này, lấy dân là trung tâm để làm rõ vai trò chủ sở hữu toàn dân.

Trong quy hoạch phải xem đất đai là nguồn lực đặc biệt, tài sản đặc biệt. Bởi thực tế, đất nước nào biết quy hoạch sử dụng đất đai thì đất nước đó phát triển.

Nêu thực tế quy hoạch đất đai hiện còn quy hoạch rất tùy tiện, thay đổi liên tục, ông Vinh lưu ý: “Mà thay đổi ở đây không phải dân thay đổi mà là doanh nghiệp thay đổi, nhóm lợi ích thay đổi. Tham nhũng trong đất đai là trầm trọng, nghiêm trọng và kinh khủng nhất, sợ nhất. Một số cá nhân đang dựa vào chỗ hổng của chính sách pháp luật, của thực thi, của vượt thẩm quyền từ địa phương để tham nhũng, trục lợi.”.

Ngoài ra ông cũng cảnh báo, không những tham nhũng mà tiêu cực trong đất đai thì “thôi rồi lượm ơi”.

Vì vậy, ông kiến nghị Đảng đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đất đai để rà soát lại và có chính sách mới về đất đai.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu bày tỏ đồng tình, nhiều quy định của Luật Đất đai 2013 chưa tương thích, đồng bộ với nhiều quy định của luật khác, nhiều văn bản chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

“Từ đó tạo điều kiện cho nhiều cá nhân trục lợi, theo thống kê thì gần 70% đơn khiếu nại, tố cáo là liên quan tới lĩnh vực đất đai”, ông Châu dẫn chứng.

Ông Châu phân tích thêm, giá đất khi nhà nước thu hồi đất còn một số bất cập, nhất là cơ chế xác định chưa hợp lý dẫn đến việc giá đất do nhà nước quy định và quyết định thường thấp hơn so với thị trường.

Đây là một trong những nguyên nhân gây ra khiếu nại trong quản lý đất đai, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khi nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Do đó, cần xây dựng cơ chế xác định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường, trong đó cần đảm bảo người dân được tham gia sâu, rộng rãi và đủ tính đại diện trong tham vấn ý kiến về giá đất.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị rà soát, sửa đổi ngay các quy định để đảm bảo thủ tục hành chính về đất đai nhanh, gọn và thông thoáng hơn. Đồng thời cần có quy định ràng buộc trách nhiệm giải trình và đảm bảo đồng thuận của cộng đồng dân cư đối với nội dung như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất,.. đều thông qua ý kiến trước khi phê duyệt.

Thu Hằng
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/nguon-luc-dat-dai-dang-bi-cac-nhom-loi-ich-xau-xe-781362.html

Người xem: 2

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *