UBND TP. Nha Trang vừa phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn thành phố và Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an toàn tại các công trình thủy lợi, dự án đang triển khai; xác định khu vực xung yếu về sạt lở đất, ngập nước; giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân khu vực xung yếu.
Kiểm tra vùng xung yếu
Đoàn công tác của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa kiểm tra một số khu vực xung yếu về mưa lũ trên địa bàn TP. Nha Trang. Tại Dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, nếu như năm trước, lòng sông Cái khu vực dự án bị án ngữ bởi các cọc cừ dùng để thi công trụ mố cầu, ít nhiều gây cản trở dòng chảy thì thời điểm kiểm tra (ngày 29-7), 5/6 trụ mố cầu đã được thi công xong. Đơn vị thi công cũng đã cắt cọc cừ, trả lại thông thoáng cho lòng sông, qua đó khơi thông dòng chảy. Theo đơn vị thi công, trụ móng dưới nước còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong ít tháng tới. Hiện trên sông có 1 xà lan phục vụ thi công, đơn vị đã sẵn sàng các phương án di chuyển nhân công, phương tiện, thiết bị đến nơi an toàn trong trường hợp mưa lớn kéo dài, nước trên sông Cái chảy xiết, đặc biệt là việc chằng néo, đảm bảo an toàn cho xà lan.
Tại khu vực hồ Kênh Hạ (xã Phước Đồng) có bè nổi phục vụ du lịch nằm cạnh tràn xả lũ (tràn tự do). Qua trao đổi với trạm quản lý đặt tại hồ chứa này, đơn vị quản lý hồ chứa nước đã làm việc cụ thể với doanh nghiệp khai thác du lịch ở hồ Kênh Hạ về phương án ứng phó trong trường hợp mưa lớn. Trong đó, tập trung vào việc di dời bè nổi đến nơi an toàn, tránh xa khu vực đập tràn để đảm bảo an toàn đập, đồng thời không cản trở dòng chảy. Ngoài ra, phía hạ du tràn xả lũ của hồ chứa nước này những năm trước bị xuống cấp, xói lở, nay đã được đầu tư sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn. Tại hồ điều hòa Hòn Xện ở Vĩnh Hòa, hồ chứa nước này có 2 kênh thoát lũ đi qua khu vực dân cư đông đúc. Cơ quan chức năng và địa phương đã kiểm tra hệ thống kênh này, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
Ông Huỳnh Quốc Thuyền – Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, qua kiểm tra tại các hồ chứa và một số dự án có khả năng ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn TP. Nha Trang, các đơn vị đã xây dựng xong phương án ứng phó thiên tai. Phương án đảm bảo tính khả thi và phù hợp với quy định. Đơn vị quản lý hồ chứa cũng như các chủ đầu tư đã sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó trong điều kiện mưa, bão, hạn hán…
Đảm bảo an toàn cho người dân
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời điểm tháng 10, 11 năm nay, nhiều khả năng khu vực ven biển Trung Bộ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Do vậy, việc chủ động ứng phó với mưa lớn, đảm bảo an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu. Theo phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn vừa được UBND TP. Nha Trang phê duyệt, thành phố xác định 140 khu vực có khả năng xảy ra ngập lụt do mưa lớn, gây tắc hàng chục tuyến đường và ngập lụt cho hàng nghìn hộ dân; 125 điểm có khả năng xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét, ảnh hưởng tới 4.158 hộ, 17.021 hộ dân. Thành phố cũng lên phương án chi tiết công tác ứng phó với từng cấp độ của bão, mưa lớn, trong đó đặc biệt là phương án sơ tán hơn 10.000 hộ, 42.675 người dân ở các khu vực xung yếu đến nơi an toàn trong từng tình huống cụ thể…
Trên cơ sở phương án, ngày 1-8, UBND TP. Nha Trang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Kế hoạch đặt mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo vệ an toàn các công trình phòng, chống thiên tai như: kè sông, kè biển, hồ, đập, cống, kênh, mương thoát lũ…; bảo vệ vùng sản xuất và môi trường sinh thái đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.
UBND TP. Nha Trang yêu cầu các đơn vị liên quan trên địa bàn phải chủ động, tiến hành thường xuyên, kịp thời công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” với nguyên tắc: phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Bên cạnh các giải pháp chủ động ứng phó, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện và cách thức, UBND TP. Nha Trang coi nhiệm vụ nâng cao nhận thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai. Do vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống thiên tai tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh.
CÔNG ĐỊNH
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202208/nha-trang-chu-dong-ung-pho-thien-tai-8259373/
Người xem: 8