Thời gian qua, TP. Nha Trang đã nỗ lực triển khai các chính sách giảm nghèo, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định. Thành phố đang gấp rút triển khai tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025.
Nỗ lực giảm nghèo
Đầu năm 2021, toàn thành phố có 299 hộ nghèo, chiếm 0,27% và 3.064 hộ cận nghèo, chiếm 2,74%. Để giảm hộ nghèo, thành phố đã triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo theo quy định. 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Trẻ em thuộc hộ nghèo học mẫu giáo, phổ thông được miễn 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập; trẻ em thuộc hộ cận nghèo học mẫu giáo, phổ thông được giảm 50% học phí. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cho 3.162 khách hàng vay vốn với số tiền hơn 124,3 tỷ đồng. Trong đó, có 535 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 1.391 khách hàng vay vốn cải tạo, xây mới công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; 1.180 khách hàng vay vốn tạo việc làm, 28 khách hàng vay vốn nhà ở xã hội và 8 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Ngoài ra, từ nguồn bò giống do Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup trao tặng cho người dân, các xã tiếp tục giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có lượng điện tiêu thụ dưới 50kW với tổng số tiền hơn 148,4 triệu đồng; dành hơn 74,7 triệu đồng hỗ trợ tiền Tết cho 299 hộ nghèo; hỗ trợ cứu đói cho 7.095 hộ với gần 153 tấn gạo, tổng trị giá hơn 2,4 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã kịp thời phân bổ 361,2 tấn gạo của Chính phủ cho 24.080 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gặp khó khăn; vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn với tổng kinh phí hơn 540,5 triệu đồng.
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, dự kiến đến cuối năm 2021, thành phố giảm được 47 hộ nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, thành phố gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, các xã, phường, thôn, tổ dân phố dồn sức chống dịch Covid-19 nên không đủ thời gian thực hiện các chính sách giảm nghèo. Do dịch kéo dài nên nhiều người dân bị mất việc làm. Ngoài ra, chính sách giảm nghèo thực hiện chưa sát với người dân. Số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo dẫn đến khả năng tái nghèo còn cao, chưa thực sự bền vững. Một số người nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo…
Tập trung rà soát
Hiện nay, thành phố tập trung triển khai rà soát tình hình hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020) để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2021. Đồng thời, tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 để làm cơ sở xây dựng các chương trình, đề án triển khai công tác giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội cho giai đoạn này; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình để làm căn cứ xác định đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT theo Luật BHYT. Do vậy, việc rà soát được thực hiện trên cơ sở các văn bản hướng dẫn theo quy định của cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, việc rà soát phải được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền, giám sát của MTTQ, các đoàn thể và có sự tham gia của người dân nhằm xác định đúng đối tượng rà soát. Kết quả rà soát phải phản ánh chính xác thực trạng đời sống của nhân dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố; đảm bảo đúng tiến độ thời gian, tiết kiệm, tránh lãng phí. Đối tượng rà soát là hộ nghèo, hộ cận nghèo có tên trong danh sách địa phương đang quản lý tại thời điểm rà soát; hộ gia đình trên phạm vi thành phố có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.
Tiêu chí rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 59 ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Còn đối với tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ và xác định hộ có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 thì các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 gồm: Tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, thu nhập ở khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ) là việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 – 2025 ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,5 đến 2,25 triệu đồng; khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2 đến 3 triệu đồng.
Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 thực hiện thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đối với tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ và xác định hộ có mức sống trung bình thực hiện theo phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo phương pháp xác định thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng trước thời điểm rà soát, không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội từ ngân sách nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình.
Để hoạt động rà soát đạt hiệu quả cao, các phòng, ban chuyên môn và các xã, phường cần thực hiện nghiêm kế hoạch mà thành phố đã ban hành; khẩn trương thành lập ban chỉ đạo rà soát các cấp, nhất là cấp xã phải do Chủ tịch UBND làm trưởng ban; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung rà soát; bố trí lực lượng rà soát viên thực hiện đảm bảo đúng tiến độ thời gian và các quy định về rà soát…
VĂN GIANG
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202110/nha-trang-tap-trung-ra-soat-ho-ngheo-can-ngheo-theo-chuan-moi-8232213/
Người xem: 27