Chủ đề Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11-10) năm 2021 là “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã chủ động tuyên truyền nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái nhằm hướng đến một xã hội bình đẳng.
Thay đổi nhận thức
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ, hàng năm, các hoạt động truyền thông ngày Quốc tế Trẻ em gái được ngành DS tập trung, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền. Từ đó, đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đến nhận thức và hành động của người dân. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, 40 tuổi, ở tổ 21, đường Sư Vạn Hạnh, phường Vĩnh Hải (TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi kết hôn năm 2008, sinh được một bé gái hiện nay học lớp 6. Vợ chồng tôi đã có kế hoạch sinh con thứ 2. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề phải sinh con trai bởi con cái là lộc trời cho. Con trai cũng như con gái, quan trọng là nuôi dạy con phát triển khỏe mạnh, ngoan ngoãn, trở thành những công dân có ích cho xã hội…”.
Bà Trần Thị Kim Oanh – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, những năm qua, đa phần người dân trong tỉnh không còn nặng nề trong việc sinh con trai hay con gái. Họ đã có cái nhìn rất “bình đẳng” giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Trong xã hội hiện nay, cả trẻ em trai và trẻ em gái đều được tạo mọi điều kiện để được vui chơi, học tập, được phát triển cả về thể chất và tinh thần… Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, nhất là khi Khánh Hòa đang bước đầu kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hàng năm, tỉnh đều đạt kế hoạch về tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đúng theo lộ trình của tỉnh đề ra. Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đặt mục tiêu kiềm chế, giảm tốc độ gia tăng tầm soát giới tính khi sinh. Năm 2016, tỷ lệ tầm soát giới tính khi sinh ở tỉnh còn khá cao 124,4%, nhưng đến 2018 giảm còn 112,5%; năm 2020 chỉ còn 109,4%, nằm trong nhóm 2 (từ 109 đến 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống).
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thời gian này, tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn đang diễn ra phức tạp. Chính vì vậy, Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm nay, ngành DS tập trung tổ chức một số hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, Youtube… để phổ biến các luật nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay. Cụ thể như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình… nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái. Từ đó, góp phần thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái. Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ còn tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…
“Trong thời gian tới, để tiếp tục giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực các sở, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và toàn xã hội… Hiện nay, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu chung là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tầm soát giới tính khi sinh, tiến tới đưa tầm soát giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” – bà Oanh nói.
TÂM TRANG
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202110/nhan-ngay-quoc-te-tre-em-gai-11-10-thuc-day-binh-dang-gioi-de-giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-8231528/
Người xem: 1