Nhiều kịch bản cho năm học mới

Chiều 31-8, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác chuẩn bị năm học mới 2021 – 2022. Theo đó, ông thống nhất năm học mới sẽ tựu trường vào ngày 10-9, khai giảng ngày 13-9, đồng thời xây dựng nhiều kịch bản cho từng cấp học, từng địa phương tùy vào tình hình dịch Covid-19.

Xây dựng phương án cho từng cấp học

Tại cuộc họp, ông Đỗ Hữu Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16, trẻ em ở các cơ sở GD mầm non (MN) tạm dừng đến trường. Nhà trường hướng dẫn cha mẹ trẻ sử dụng cuốn “Cẩm nang hỗ trợ cha mẹ trẻ em nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe” và “Cùng con phát triển toàn diện” do Bộ GD- ĐT ban hành năm 2019; lập các nhóm Viber, Zalo, Messenger… giữa giáo viên (GV) và cha mẹ trẻ để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà; phân công GV phụ trách nhóm, lớp, nắm bắt cụ thể về tình hình sức khỏe của trẻ trong thời gian trẻ chuẩn bị tới trường, lớp.

 

Ông Đinh Văn Thiệu kết luận tại cuộc họp trực tuyến.
Ông Đinh Văn Thiệu kết luận tại cuộc họp trực tuyến.

Các cơ sở GD tiểu học cũng tạm dừng đến trường. Tùy vào điều kiện thực tế, phòng GD-ĐT ở các địa phương chỉ đạo GV ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp (email, vnEdu, SMAS, Facebook, Zalo…) để chuyển giao nội dung ôn tập đến phụ huynh học sinh (PHHS), hướng dẫn HS ôn tập bài từ xa qua các thiết bị điện tử và mạng Internet. Ông Trần Nguyên Lập – Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết: “Thành phố đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn, GV bộ môn biên soạn nội dung ôn tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng bằng nhiều hình thức như: Hệ thống câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra… Nội dung ôn tập phải được tổ chuyên môn trao đổi, thống nhất chung theo đơn vị trường; hiệu trưởng tổ chức kiểm duyệt các nội dung do tổ chuyên môn đề xuất”.

Đối với cấp THCS và THPT, ông Võ Hoàn Hải – Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, các địa phương triển khai tổ chức dạy học trực tuyến; mỗi đơn vị lựa chọn tối đa 2 phần mềm để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý (Google Meet, Zoom, Zalo…). Sở đã yêu cầu các trường hỗ trợ những GV chưa thành thạo trong việc sử dụng phần mềm; khuyến khích GV sử dụng các ứng dụng khác như Facebook, Zalo… để trao đổi thông tin, bổ sung nội dung bài dạy, bài ôn tập đến PHHS và có biện pháp phù hợp hướng dẫn HS kỹ năng sử dụng trước khi tham gia bài học.

 

Một giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh năm học 2020 - 2021.
Một giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh năm học 2020 – 2021.

 

Ông Võ Hoàn Hải – Giám đốc Sở GD-ĐT: Đối với địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 19, ngoại trừ cơ sở GDMN tạm ngừng đến trường, các cấp học còn lại được phép đón HS đến trường với điều kiện phải tổ chức thực hiện giãn các HS trong lớp học. Cụ thể, các lớp có sĩ số trên 30 HS chia lớp làm 2 nhóm (sáng và chiều), đối với lớp học 2 buổi/ngày; lớp học 1 buổi/ngày chia làm 2 nhóm (nhóm học thứ Hai, Tư, Sáu và nhóm học thứ Ba, Năm, Bảy). Bố trí thời gian học lệch giờ giữa các khối lớp để giảm mật độ HS đến trường và ra về. Đối với cơ sở GD tiểu học, nhà trường tuyệt đối không tổ chức bán trú, đảm bảo nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các trường xây dựng kế hoạch, thời khóa biểu tổ chức các tiết học, buổi học trực tuyến và quy định cụ thể về thời gian, theo môn học, khối lớp học, GV thực hiện; chọn lọc các bài học, kiến thức trọng tâm để xây dựng các tiết học theo chủ đề (nếu có) nhằm tiết kiệm thời gian dạy trực tiếp khi đi học trở lại. Ngoài ra, GV cần chủ động xây dựng các bài dạy trực tuyến bằng nhiều hình thức phù hợp như: Bài giảng lồng tiếng trong PowerPoint, video clip… để đăng tải trên website của trường nhằm tạo điều kiện cho HS tải về tự học. Trường hợp HS không có điều kiện tham gia học trực tuyến, tổ/nhóm chuyên môn và GV giảng dạy chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn HS tự học (bản giấy) để gửi tới HS. GV cần nhắc nhở HS học tập nghiêm túc theo kế hoạch của nhà trường; thống nhất thời gian, hình thức gửi/nhận tài liệu, nắm bắt thông tin phản hồi từ PH và HS trong quá trình học trực tuyến, báo cáo lãnh đạo nhà trường để có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

Đối với GD thường xuyên, theo quy định, khung thời gian năm học là 32 tuần (ít hơn hệ phổ thông 3 tuần). Vì vậy, tùy vào tình hình dịch bệnh để tổ chức dạy học muộn hơn 3 tuần so với trường THCS và THPT. Nếu sau 3 tuần vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách, các đơn vị sẽ tổ chức việc dạy học trực tuyến như hướng dẫn đối với các trường THCS và THPT.

Khai giảng vào ngày 13-9

Tại cuộc họp, ông Đinh Văn Thiệu cơ bản thống nhất kế hoạch của Sở GD-ĐT đưa ra. Ông yêu cầu các trường căn cứ vào kế hoạch để thực hiện, báo cáo những khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch đến Sở GD-ĐT hoặc UBND tỉnh để kịp thời giải quyết; đảm bảo chất lượng dạy và học, công tác phòng, chống dịch. Ông cũng thống nhất năm học mới sẽ tựu trường vào ngày 10-9, khai giảng ngày 13-9 (sẽ có thay đổi tùy vào tình hình dịch Covid-19).

Ngoài ra, Ông Đinh Văn Thiệu đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành GD-ĐT địa phương rà soát số lượng HS, GV đang ở trong khu vực vùng đỏ, vùng cam và khu cách ly y tế để tỉnh xem xét và có kế hoạch triển khai năm học mới cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, xem xét triển khai phương án xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, GV các trường từ nguồn kinh phí của địa phương, đơn vị; xây dựng kịch bản tổ chức dạy học kết hợp giữa phương pháp dạy trực tuyến và trực tiếp tại các địa phương, khu vực vùng xanh… Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin (mũi 1) cho tất cả GV trên địa bàn tỉnh trước khi bước vào năm học mới; hướng dẫn cụ thể cho các trường trong việc phòng, chống dịch trong thời gian dạy học.

 

Sẵn sàng các phương án y tế dự phòng

Ông Võ Hoàn Hải – Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh, nhà trường phải chỉ đạo nhân viên y tế chuẩn bị phòng, giường cho HS trong trường hợp HS có biểu hiện ho, sốt bất thường trong ngày để cách ly. Trang bị bổ sung cơ số thuốc, y cụ phòng y tế đầy đủ; trang bị thêm khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, nhiệt kế đo thân nhiệt. Ở những nơi có điều kiện cần trang bị thêm máy đo thân nhiệt để kiểm tra thân nhiệt nhanh khi đón HS vào lớp. Cập nhật số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Y tế dán ở những vị trí dễ quan sát giúp cán bộ quản lý, GV, nhân viên, PHHS chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

THANH TRÚC – VĨNH THÀNH
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202108/nhieu-kich-ban-cho-nam-hoc-moi-8227286/

Người xem: 31

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *