Bà Phạm Thị Anh Thư (53 tuổi, ngụ ở phường Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được xem là người phụ nữ cuối cùng ở Nha Trang còn gắn bó với nghề đánh máy chữ thuê.

30 năm gắn bó với máy đánh chữ

Chiếc bàn máy đánh chữ nhỏ nhắn, nằm ngay trên góc đường Phan Bội Châu giao với Hàn Thuyên. Suốt 30 năm qua cứ tầm 8 giờ sáng, bà Thư lại ra đây ngồi đánh thuê đơn từ cho khách. Có những hôm khách cần gấp, bà cũng ngồi nán lại để hoàn thành.

Nửa đời người gắn liền với máy đánh chữ ảnh 1

Bà Thư hơn 30 năm gắn bó với chiếc máy đánh chữ. Ảnh: CHU VÂN

Bà Thư chia sẻ gia đình bà có ba thế hệ làm nghề đánh chữ. Từ những năm 1960, ông ngoại bà đã làm công việc này, sau đó là mẹ bà và đến bà.

Vừa gõ lá đơn cho khách, bà Thư kể những năm 80, 90 nghề đánh máy chữ ăn nên làm ra. “Thời đấy, máy vi tính hay photocoppy chưa có phổ biến như bây giờ nên công việc của tôi rất là bận. Từ các đơn khiếu nại, giấy khai sinh, văn bản pháp luật, giấy tờ đất đai, kiện tụng, thậm chí sao y bản chính, tôi đều làm hết” – người đánh máy nhớ lại.

Ngày nay, công nghệ phát triển, máy vi tính, photocopy ra đời làm cho nghề đánh chữ gần như rơi vào quên lãng. Cuối cùng, cả thành phố biển có lẽ chỉ còn bà theo nghề này.

Hơn 30 năm gắn bó với công việc, gõ không biết bao nhiêu loại đơn từ cho khách, bà Thư khá rành cách làm nhiều loại văn bản hành chính khác nhau. Bà chia sẻ làm nghề này cũng phải có năng khiếu và kiến thức pháp luật. Vậy nên, ngoài thời gian làm việc, bà thường tranh thủ xem thời sự, tìm hiểu các quy định, văn bản mới để cập nhật thêm thông tin, bổ sung kiến thức cho công việc.

Trải qua thời gian dài máy đã cũ, bàn phím mòn nên người phụ nữ này đã sử dụng một que gỗ để gõ phím cho đỡ đau tay. Dù là dùng tay hay thêm dụng cụ gõ phím thì các thao tác của bà Thư vẫn nhịp nhàng và nhanh nhẹn, chính xác từng câu từng chữ.

Nửa đời người gắn liền với máy đánh chữ ảnh 2
Phim mòn, bà dùng cây gỗ để gõ chữ. Ảnh: CHU VÂN

Động tác gõ chữ kiểu mổ cò cùng với đó là tiếng kêu lách cách dường như làm cho thời gian quay trở lại những năm 90, trước khi máy móc hiện đại ra đời.

Buồn vì đánh đơn ly hôn

Bà Thư chia sẻ làm nghề này ngại nhất là đánh đơn ly hôn. Theo bà, phía sau mỗi tờ đơn ly hôn là nỗi đau của những đứa trẻ khi gia đình đổ vỡ. “Tôi sẽ hỏi cặn kẽ câu chuyện rồi khuyên ngăn để cứu vãn cuộc hôn nhân. Nếu như không được thì tôi mới làm đơn. Cũng có nhiều khách hàng đến đây làm đơn ly hôn nghe lời khuyên của tôi rồi làm lành” – bà chia sẻ.

Nửa đời người gắn liền với máy đánh chữ ảnh 3
Bà Thư tận tình hỏi thông tin để làm đơn cho khách. Ảnh: CHU VÂN

Chị Nguyễn Thị Thu (khách hàng) ngồi chờ bà Thư đánh đơn tâm sự ít học nên không thể viết thư từ, đơn, văn bản. Các tiệm photo ít làm đơn theo câu chuyện của khách vì khá mất thời gian. “Đến đây, tôi nói muốn viết đơn gì, trình bày hoàn cảnh câu chuyện là bà Thư hiểu và viết cho hết” – chị Thu chia sẻ.

Mỗi đơn thư bà Thư lấy tiền công khoảng 20.000 đồng đến 30.000 đồng. Những văn bản khó, mất nhiều công sức và thời gian hơn có giá 50.000 đồng. Công việc này đã giúp bà nuôi sống gia đình hơn 30 năm qua.

Điều đặc biệt là bà Thư không nhận làm các đơn từ kiện tụng tranh chấp đất đai bởi liên quan đến tình cảm người thân trong gia đình. “Tôi sẽ từ chối làm đơn kiện tụng đất đai, dù cho người ta trả tiền công rất cao. Lương tâm tôi không cho phép, thà không nhận để sau đỡ phải khổ tâm” – bà Thư nói.

Giữa phố xá đông đúc nhộn nhịp, bà Thư lặng lẽ làm công việc của mình, góc phố nhỏ vang lên tiếng gõ phím lạch cạch.